Al Obaydi thả bộ đến Đại hội đồng và ngồi xuống một chiếc ghế ở ngay
phía sau Trưởng phái bộ của ông ta. Vị Đại sứ đã mang máy nghe và đang
giả vờ hết sức chú tâm vào một bài phát biểu của vị trưởng phái bộ Brazil.
Ông sếp của Al Obaydi luôn luôn thích nói những câu chuyện tuyệt mật
trong phòng họp của Đại hội đồng. Ông tin chắc rằng đây chính là căn
phòng duy nhất trong toà nhà Liên Hiệp Quốc mà CIA không đặt máy nghe
trộm.
Al Obaydi kiên nhẫn đợi cho đến lúc người đàn ông già hơn giật nhẹ một
bên ống nghe và hơi ngả người ra phía sau.
— Bọn họ đã thoả thuận theo các điều kiện của chúng ta, – Al Obaydi khẽ
nói, tựa hồ chính ông ta là người đã ra giá.
Vành môi của vị Đại sứ trề ra phía trên môi dưới, dấu hiệu mà các đồng
nghiệp của ông đều biết rằng ông cần thêm chi tiết.
— Một trăm triệu, – Al Obaydi thì thào. – Mười triệu phải trả ngay. Chín
chục cuối lúc giao hàng.
— Ngay? – Vị Đại sứ hỏi. – Ngay là thế nào?
— Trưa mai, – Al Obaydi vẫn thì thào.
— Tối thiểu Sayedi đã đoán trước việc này, – vị Đại sứ trầm ngâm bảo.
Al Obaydi khâm phục cái cách cấp chỉ huy của mình luôn luôn có thể
khiến cho từ “ông chủ” có vẻ vừa tôn kính vừa xấc láo.
— Tôi phải gửi một thông điệp về Baghdad để báo cho bộ trưởng ngoại
giao biết rõ từng chi tiết thắng lợi của anh, – vị Đại sứ nói tiếp với một nụ
cười.
Lẽ ra Al Obaydi cũng đã mỉm cười nhưng ông ta chợt nhận thấy vị Đại sứ
sẽ không chấp nhận bất cứ một ai dính líu vào đề án trong lúc mọi việc vẫn
còn ở giai đoạn hình thành. Chừng nào ông còn dây dưa vào viên thuộc cấp
tạm thời lúc này, vị Đại sứ vẫn có thể tiếp tục cuộc sống yên tĩnh ở New
York cho tới ngày ông về hưu đúng ba năm sau. Nhờ theo một lối như thế
ông đã tồn tại mười bốn năm dưới sự thống trị của Saddam Hussein trong