Mẹ tôi không nói gì, ánh mắt bà thăm thẳm, chất chứa bao nỗi
niềm, có sự lo lắng, mệt mỏi, và cả giận dữ. Nửa đêm hôm đó, khi
đang lơ mơ ngủ, tôi nghe loáng thoáng có tiếng ồn ào, đúng lúc ba
trở về, còn mẹ đang cầm chiếc ghế nhựa định ném vào họ. Trước
sự im lặng của ba tôi và sự phẫn nộ của mẹ, họ chắp tay van xin: “Em
xin lỗi anh chị... Em xin lỗi... Em và bạn cũng bị chém phải vào đây.
Tụi em không cố ý làm hại con gái anh chị.”
Thì ra, họ là những người đã gây ra trận ẩu đả đó. Tôi lại thiếp đi
không biết thêm gì nữa.
Tôi nằm viện được hai hôm thì cô Thảo - bạn của ba mẹ tôi -
mang rất nhiều quà đến thăm. Cô ấy nhìn tôi rồi quay sang nói
với ba mẹ tôi, khuôn mặt méo mó, khổ sở: “Em xin tạ tội với anh chị.
Người hại con bé ra nông nỗi này là thằng em họ trời đánh của em.
Nó biết đã lỡ tay chém nhầm con gái của anh chị nên trốn ra đảo
từ đêm hôm đó tới giờ. Bây giờ, nó nhờ em đến tạ tội thay, xin anh
chị tha thứ cho nó lần này mà viết giấy bãi nại để nó không phải
ra toà. Nếu anh chị không đồng ý thì nó cũng chỉ còn đường ra tự
thú chứ không dám vơ vất ở bên ngoài. Nó thực sự biết lỗi rồi,
mong anh chị hãy thương em, thương nó mà bỏ qua lần này. Gia
đình em sẽ ký giấy cam kết lo cho con bé đến năm cháu mười tám
tuổi.”
Mẹ không nói gì. Còn ba thì ra ngoài châm thuốc hút.
Tôi cũng không rõ ba mẹ tôi đã xử lý việc đó ra sao, nhưng hôm
sau nữa, tôi lại thấy cô Thảo tới thăm, đi cùng cô là một anh thanh
niên gầy rộc. Vừa bước vào phòng, anh ta đã quỳ sụp xuống chân
ba tôi. Không ai nói gì. Mọi người trong phòng đổ dồn ánh mắt về
phía chúng tôi. Mẹ đưa cho cô Thảo một tờ giấy đã được ký sẵn còn
ba thì vẫn im lặng, chỉ xua tay ra hiệu cho người thanh niên đó đi ra
ngoài. Tôi cảm thấy ngạc nhiên vì sự sợ sệt của người thanh niên kia