đối với ba tôi. Nhưng rồi cơn đau rát từ vết thương vừa mới khâu
khiến đầu óc tôi lại chìm vào cơn mơ hồ, không còn quan tâm
đến việc đó được nữa.
Tôi nằm lại bệnh viện khá lâu và bị tiêm thuốc mỗi ngày, đến
mức chân mất cảm giác tưởng chừng như bị liệt, không thể đi lại
được. Ba cõng tôi ra công viên của bệnh viện và đặt tôi ngồi xuống
một chiếc ghế đá, sau đó mang cho tôi đôi dép để tập đi trở lại. Đôi
chân không còn chút cảm giác, tôi khuỵu ngã khi vừa chạm đất. Mẹ
nói chưa muốn để tôi tập đi, vì có lẽ tôi vẫn còn mệt và vết thương
thì chưa lành. Ba nhìn tôi không đỡ, chỉ lẳng lặng nói: “Nếu như con
không tập đi bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ con có thể đi trở lại được
nữa. Sự đau đớn này vẫn còn nhẹ nhàng hơn nhiều lần nếu một
ngày con phát hiện ra mình không thể tự đứng dậy, không thể tự bước
đi trên đôi chân của mình.”
Rồi ba đến bên cạnh tôi, chìa tay cho tôi vịn để đứng lên. Tôi lê
từng bước, từng bước cho đến khi ba thử buông tay và tôi lại ngã.
Mỗi buổi chiều, ba lại kiên nhẫn đưa tôi xuống công viên để cho tôi
tập đi. Đó quả thực là những ngày gian nan với tôi.
Không lâu sau, tôi được xuất viện về nhà, đã có thể tự đi lại
được, nhưng tôi không thể chấp nhận nổi hình ảnh của mình trong
gương: quá lạ lẫm, quá kinh khủng. Tôi cảm thấy mình thật xấu xí
và đáng sợ, nhưng tôi không dám nói điều đó với ba mẹ mà chỉ lặng
lẽ ngồi co mình ở góc giường. Có lẽ thấy tôi cố xoay chiếc gương
úp vào tường, mẹ gọi tôi lại và hỏi: “Con khó chịu và không thích kiểu
tóc mới này phải không?”
Tôi không trả lời mà chỉ cụp mắt xuống, buồn rười rượi.
Mẹ tôi lại nói tiếp: “Con có biết sự lợi hại của kiểu tóc này
không?”