Bà thương tôi rất nhiều. Biết tôi thích ăn quả trứng cá, mỗi
buổi trưa khi tôi ngủ, bà lại trèo lên ban công nơi gác xép, với tay hái
những quả trứng cá chín lủng lẳng trên những cành cây đang sà vào
hiên nhà. Bà đựng chúng trong cái ca uống nước làm bằng nhựa
màu xanh nước biển đã rất cũ chờ đến khi tôi thức dậy. Chiếc ca
ấy gắn với nhiều kỉ niệm của bà.
Vào một ngày cuối năm, khi tôi sáu tuổi, bà nội nhận được một
gói bưu phẩm từ xa chuyển đến, bên trong có một lá thư. Lá thư như
gợi về những kí ức trong bà, bà trầm ngâm nhìn xa xăm vô định.
Tôi rón rén đến gần, bà dang tay ôm tôi vào lòng, hai bà cháu cứ
ngồi im lặng như vậy ngắm hoàng hôn đang buông dần xuống
mảnh sân nhỏ trước nhà, nơi có những phiến lá vàng phất phơ
trong cơn gió nhẹ cuối ngày.
Có lẽ, cuộc đời của bà tôi là một câu chuyện bi tráng, đầy ắp
những ký ức hào hùng nhưng cũng lắm những khoảng trầm trong
nước mắt. Mười sáu tuổi, bà nội đã tham gia cách mạng, làm nhiệm
vụ giao liên. Sau đó, bà được học để trở thành y sĩ phục vụ ở căn cứ.
Trong quá trình học tập, nhìn thấy tư chất ở người thiếu nữ nhỏ
bé ấy, tổ chức quyết định đưa bà đi đào tạo để trở thành một nhân
viên tình báo chuyên nghiệp. Kể từ đó, cuộc đời bà rẽ sang hướng
khác.
Không biết vì sao, trước đây bà chưa từng kể cho tôi nghe về
ông nội, bà khó chịu khi có ai đó hỏi về những thứ có liên quan đến
ông, kể cả ba tôi. Có lẽ, giữa họ có một bí mật nào đó vô cùng to lớn
khiến trái tim vừa hận vừa yêu, nửa muốn thừa nhận nửa lại muốn
chối từ. Nhưng vào buổi chiều buồn hôm ấy, bà đã kể cho tôi
nghe về ông, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất bà
nhắc đến ông.