hàng xóm sủa văng vẳng xa xa, hay tiếng đôi mèo đuổi nhau chạy
rầm rập trên mái nhà…
Gia đình tôi thường xuyên phải chuyển nhà, kinh tế lúc khá giả
khi lại nghèo túng đến không còn lối thoát. Tôi không hiểu lý do vì
sao, cũng chưa từng hỏi mẹ bởi vì đối với mẹ, có những việc chỉ
người lớn mới được quyền biết, tôi cũng phải đợi đến khi mình đủ
lớn để có thể hiểu điều ấy.
Cuối đông, trời vẫn lạnh và bóng đêm đen đặc cứ mang ba tôi đi
biền biệt vào những ngày như thế. Tết năm đó, ba đã đưa mẹ con
tôi đi mua rất nhiều bánh mứt, toàn là loại tôi thích. Mẹ cũng mua
vải để đưa thợ may áo sơ mi và quần tây mới cho ba mặc Tết. Lần
đầu tiên tôi thấy ba mặc quần áo chỉnh tề đóng bộ như thế. Ba
đẹp trai lạ thường, mặc dù ông ngượng nghịu với sự chỉnh tề khác lạ
đó nhưng tôi vẫn thấy ba rất bảnh. Mẹ thì được ba mua cho một đôi
giày mới rất đẹp. Lần đầu tiên nhìn thấy, mẹ đã rất thích nhưng
vì giá khá đắt nên mẹ cương quyết kéo ba về mà không mua nữa.
Hôm sau, đôi giày “bỗng dưng” có mặt ở nhà tôi, mặc cho mẹ cằn
nhằn còn ba thì cười xoà. Mấy ngày giáp Tết, thời tiết dịu ngọt và
không khí rộn ràng khiến con người trở nên thư thái hơn. Trẻ con
chạy tung tăng trên khắp các con đường làng vì đã vào kỳ nghỉ năm
mới kéo dài gần hai tuần lễ. Tôi mang rổ ra vườn chọn một trái đu
đủ xanh thật to, sau đó ra chợ mua cà rốt, củ cải về gọt vỏ, phơi cho
héo để làm dưa món. Chợ quê nhộn nhịp buôn bán, rau củ cũng được
chất nhiều hơn ngày thường, câu đối đỏ, bao lì xì được bày bán đỏ
một góc chợ. Những cái mẹt lớn đựng đầy củ kiệu còn bám đầy bùn
đất mang đến cho tôi một hương vị Tết nao lòng đến khó tả.
Người ta vẫn thường nói, Tết vui nhất là những ngày chuẩn bị,
tôi cũng cảm thấy như vậy. Mọi người đều tất bật ngược xuôi,
người tha phương cầu thực vội vã trở về quê hương để được đoàn tụ
với gia đình, kẻ bán buôn hàng hoá tấp nập chỉ mong cho chóng