cuối. Rồi cậu Năm xin cho tôi vào học bổ túc văn hoá vì nguyện
vọng của tôi là được tiếp tục đi học, tôi muốn vào đại học. Bạn gái
của cậu muốn mẹ tôi mua một đôi quang gánh ra chợ bán rau mỗi
ngày để kiếm tiền nuôi tôi ăn học, nhưng tôi cương quyết không
chấp nhận bởi vì thời gian này, mẹ tôi bắt đầu có nhiều cơn đau
ở
vùng bụng. Hơn nữa, suốt gần hai mươi năm kết hôn và sống
cùng ba tôi, mặc dù cuộc sống phải trải qua nhiều thăng trầm
nhưng ba tôi chưa từng để mẹ phải vất vả mưu sinh nơi hè phố. Vậy
thì có lý nào giờ đây, khi ông vừa ra đi, tôi lại để cho điều đó xảy ra?
Một thời gian ngắn được đếm bằng ngày, họ cũng buông tay với
chúng tôi khi nhận ra rằng sự cưu mang này không có lợi. Tin tưởng
và chạy theo những hứa hẹn khiến chúng tôi cạn kiệt, tôi ngộ ra
rằng không có cách nào khả dĩ hơn là tự làm chủ vận mệnh của
mình. Nếu không biết cách vượt qua những hứa hẹn, nó sẽ dẫn
chúng tôi đi vào con đường không lối ra.
Không còn tiền để thuê nhà trọ, tôi lẳng lặng đi xin việc làm.
Căng mắt tìm những cái bảng nhỏ tuyển nhân viên dán trước mỗi
hàng quán đã làm tôi ám ảnh đến mức mãi đến sau này khi cuộc
sống đã sang một trang khác sáng sủa hơn, thì mỗi khi đi ngang qua
một nơi nào có dán dòng thông báo như thế tôi đều ngoái đầu lại
nhìn một cách vô thức. Tôi đã xin được việc trong một cửa tiệm bán
quần áo lớn nhất nhì tại quận 12.
Một buổi chiều muộn, tôi và mẹ đón chuyến xe bus vắng người
để đưa tôi đến chỗ làm. Mẹ tôi cũng đã xin vào làm tạp vụ cho một
khách sạn cùng quận. Làm việc và ăn ở tại đó là cách duy nhất cứu
lấy mẹ con tôi khi tiền trong túi đã vơi dần đến cạn kiệt. Sau khi
mua vé xe bus, số tiền còn lại chỉ vỏn vẹn mười lăm ngàn đồng,
mẹ đưa tôi mười ngàn, còn mẹ giữ lại năm ngàn. Tôi xuống xe mà
cảm nhận được mẹ đang lặng người nhìn theo dáng tôi, có lẽ đôi mắt
đã ầng ậc nước. Cuộc chia ly không quá xa nhưng là lần đầu tiên