Đáp: Pháp Sư giảng Kinh Niết Bàn, đã rõ Phật tánh là Pháp Bất Nhị của
Phật Pháp! Như trong Kinh Niết Bàn nói: Cao Quý Đức Vương Bồ Tát
bạch Phật rằng: Phạm tứ trọng cấm (bốn giới trọng nhất trong giới Tỳ kheo,
giống như người thế gian phạm tội tử hình), làm tội ngũ nghịch và nhất xiển
đề, phải bị đoạn dứt thiện căn Phật tánh không? Phật nói: Thiện căn có hai,
một là thường, hai là vô thường, Phật tánh phi thường phi vô thường, nên
chẳng đoạn dứt, gọi là bất nhị. Một là thiện, hai là bất thiện, Phật tánh phi
thiện, phi bất thiện, gọi là bất nhị. Uẩn và Giới, phàm phu thấy cho là nhị,
người trí liễu đạt thì biết tánh ấy bất nhị, tánh bất nhị tức là Phật tánh vậy.
Ấn Tông nghe xong hoan hỷ chắp tay rằng: Tôi giảng Kinh như gạch nát
ngói bể, ông giảng nghĩa cũng như vàng ròng. Do đó, vì Huệ Năng xuống
tóc, nguyện thờ làm Thầy.
Huệ Năng bèn ở nơi gốc cây Bồ Đề khai giảng Pháp môn Đông Sơn (Ngũ
Tổ): Huệ Năng đắc pháp nơi Đông Sơn, chịu nhiều cay đắng, gặp nhiều
nguy hiểm, tánh mạng tựa như chỉ mành, hôm nay được cùng các quan, các
Tăng Ni đạo tục đồng tụ tại hội này, là do quá khứ nhiều kiếp cúng dường
chư Phật, cùng gieo thiện căn mới được nghe cái nhơn đắc pháp và Pháp
Đốn Giáo kể trên. Giáo Pháp là do bậc Thánh xưa truyền lại, chẳng phải tự
trí của Huệ Năng. Người muốn nghe Giáo Pháp của bậc Thánh xưa, phải
làm cho tâm thanh tịnh (trong sạch), nghe rồi phải tự đoạn trừ nguồn gốc
nghi ngờ giống như các bậc Thánh xưa chẳng có khác biệt. Đại chúng nghe
pháp xong hoan hỷ đảnh lễ lui ra.
---o0o---
Phẩm Bát Nhã Thứ Hai
Qua ngày sau, Vi Sử Quân lại xin giảng nữa, Sư thăng toà bảo đại chúng
rằng: Cần phải tĩnh tâm niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Lại nói: Thiện tri thức, trí bồ đề Bát Nhã của chúng sanh vốn tự có, chỉ vì
tâm mê chẳng thể tự ngộ, phải nhờ đại thiện tri thức khai thị dẫn dắt để đi