tật xấu của mình. Chân không có nghĩa là phải làm cho vô minh, tập khí tật
xấu của mình hoàn toàn đều không không, cần phải không tất cả những
hành vi ngu muội không sáng suốt.
Bát nhã không có hình tướng, không dài ngắn vuông tròn, hoặc xanh vàng
đỏ trắng. Tâm không có vô minh, thường sanh trí huệ, trí huệ là rõ ràng
sáng suốt, có thể biết pháp đúng pháp sai. Quý vị nếu có kiến giải như thế,
đó mới chính là Bát nhã trí.
*
Sao gọi là Ba la mật? Ấy là tiếng Tây Thiên Trúc, nhà Đường gọi là đáo
bỉ ngạn, nghĩa là khỏi sự sanh diệt. Tâm dính cảnh, thì sự sanh diệt dấy
lên, như nước nổi sóng, tức là thử ngạn (bờ bên này). Còn tâm lìa cảnh,
thì không có sự sanh diệt, như nước thường lưu thông, tức gọi là bỉ
ngạn (bờ bên kia). Cho nên gọi là Ba la mật.
Giảng:
Ba la mật là tiếng Ấn Độ, Trung Quốc dịch là Đáo bỉ ngạn (đến bờ kia).
Nếu giải thích rõ ràng chính là tách rời sanh diệt, không còn sanh diệt nữa.
Cái gì gọi là "bỉ ngạn? " Bỉ ngạn là đối với thử ngạn (bờ bên này). Thử ngạn
chính là sanh tử, bỉ ngạn là Niết Bàn. Giữa sanh tử và Niết Bàn phải trải qua
cái gì? Trải qua biển lớn phiền não. Phiền não như biển cả, vì có phiền não
cho nên có sanh tử. Nếu đoạn trừ phiền não, thì sanh tử chính là Niết Bàn,
Niết Bàn chính là sanh tử. Nếu không có phiền não, có sanh tử cũng chính
là không có sanh tử. Chúng ta tại sao phải chịu sanh tử? Chính vì có phiền
não. Tại sao có phiền não? Chính là vô minh. Nhưng cái gì gọi là vô minh?
Chính là những gì quý vị không hiểu rõ; nếu hiểu rõ quý vị đã có sự sáng
suốt, đây chính là Bát nhã.