Chư Thiện tri thức! Ngoài lìa cả thảy các sắc tướng, gọi Vô tướng. Đối
với các sắc tướng mà năng lìa được sắc tướng chính là cái thể thanh
tịnh của các pháp. Ấy là lấy Vô tướng làm thể.
Giảng:
Ngoài ly khai tất cả tướng gọi là vô tướng. Năng ly khai tất cả tướng đó là
diệu thể thanh tịnh của pháp, cho nên đây chính là lấy vô tướng làm thể.
*
Chư Thiện tri thức! Đối với các cảnh mà tâm chẳng nhiễm gọi là Vô
niệm. Trong các niệm tưởng của mình, tâm thường lìa cảnh, chẳng vì
đối cảnh mà sanh tâm. Bằng đối với trăm việc tâm chẳng nghĩ đến, các
niệm tưởng đều bỏ hết; lúc một niệm cuối cùng dứt tuyệt thì chết liền
và phải chịu đầu sanh chỗ khác. Cho nên đây là một sai lầm to lớn;
người học đạo nên lấy đó mà suy gẫm để tránh rơi vào con đường lầm
lạc. Nếu chẳng biết cái ý-chỉ của pháp, tự mình lầm thì còn khá, sợ e lại
khuyên dạy người khác. Tự mình mê mà chẳng thấy, lại còn nhạo báng
kinh Phật. Bởi vậy mới lập Vô niệm làm tông.
Giảng:
Ở bất cứ cảnh giới nào, tâm không nhiễm trước gọi là vô niệm. Trên niệm
thanh tịnh của mình, thường hay ly khai tất cả cảnh giới, chẳng ở trên cảnh
mà sanh các tâm niệm, nhớ tưởng (hồi ức) muôn vạn cảnh giới. Giả sử quý
vị cho rằng muôn vật đều không nghĩ, mọi niệm đều phải diệt trừ, điều này
đúng hay không? Đó lại là việc sai lầm, cho nên nói: "Chấp trước vào tướng
là sai lầm, vô vi lại lạc vào không."
–Vậy thì làm thế nào đây?