Giảng:
Thứ tư giải thoát hương, chính là không có tâm phan duyên (tâm bám víu,
dính vương), nếu có chỗ phan duyên thì không buông xả được, thường hay
tưởng nhớ đến một sự việc nào, đó chính là tà niệm, thì không thể giải thoát
được. Không nghĩ thiện, cũng không nghĩ ác, hoàn toàn tự tại, không có chỗ
chướng ngại, đó chính là giải thoát hương.
Thứ năm là giải thoát tri kiến hương, tức không phan duyên điều thiện,
cũng không phan duyên điều ác, nhưng cũng không chấp trước vào không
mà trầm không trệ tịch. Không nên nói: "Tôi ngồi ở đây, cái gì cũng không
học, đó chính là không." Kỳ thực đó là ngoan không, không có một chỗ
dụng, giống như trong quả banh cũng là không nhưng cái không đó không
có cái dụng nào. Cảnh giới trầm không trệ tịch này, cũng giống như cái
không trong quả banh. Đó là ngoan không, tuy cùng là không, nhưng nó
không giống với cái không của hư không. Đây biểu thị một người suốt ngày
ngồi chết tại một chỗ, trăm vật không nghĩ, cái gì cũng không nhớ đến, đến
giờ ăn cơm thì ăn cơm, giờ ngủ thì ngủ, cái gì cũng không làm, thời gian
trôi qua vô ích; quý vị xem thế có đáng thương xót hay không?
Như vậy cần phải làm sao? Cần phải quảng học đa văn. Nay chúng ta nghe
Kinh, học tập Phật pháp, cần phải nghe nhiều học rộng. Có người muốn học
Phật pháp nhưng lại không nghe Kinh, cũng không học Phật pháp, đối với
Phật pháp một chút cũng không biết, lại nói cái gì cũng hiểu rõ sáng suốt,
đây là loại người trầm không trệ tịch.
Cần phải nhận thức bổn tâm chính mình, thông đạt tất cả nghĩa lý Kinh
Phật, hòa quang tiếp vật. Cái gì là hòa quang? Như ở đây có cái đèn, ở kia
cũng có cái đèn, đèn đều có ánh sáng, quý vị xem có khi nào đèn cùng đèn
đánh lộn, hoặc khởi lên sự xung đột mà nói: "Ánh sáng của ngươi sáng hơn
ta, không được như vậy, ngươi lập tức đem ánh sáng của ngươi thâu trở về!"