người đến địa ngục. Pháp này thì bất khả thuyết, không thể dùng ngôn từ
diễn bày được.
Phần đông đệ tử đều lưu luyến Lục Tổ Đại sư, cho nên đây hỏi cái này, đó
hỏi cái kia, thật nhiều lời lôi thôi, tôi tin rằng lúc đó Lục Tổ cảm thấy
những người này thật là phiền phức, nghĩ: "Ta phải nhanh chóng ra đi."
Lại có người hỏi: "Chánh Pháp Nhãn Tạng tức y bát đã truyền cho ai?" Lúc
đó nhiều người như thế đều không biết Lục Tổ Đại sư truyền pháp cho ai.
Những người hỏi câu này đại khái đều có lòng tham muốn đắc được Chánh
Pháp Nhãn Tạng, nếu không thì họ hỏi việc ấy làm gì? Đó cũng giống như:
"Ký tại giang biên trạm, tựu hữu vọng hải tâm." Đã đứng bên bờ sông lại
muốn nhìn ra biển, nếu không muốn nhìn biển thì đứng bên bờ sông làm
chi? Chúng ta có thể thấy người đương thời, đối với y bát, đều rất coi trọng.
Lục Tổ Đại sư nói:
–Truyền cho ai? Ai có Đạo tôi liền truyền cho người ấy, ai không có tâm
phan duyên người ấy liền hiểu rõ pháp của tôi. Người chứng đắc nhứt tướng
tam muội, nhứt hạnh tam muội thì được pháp của tôi.
Lục Tổ Đại sư đắc Pháp gì? Chính là đạo lý trong mấy bài kệ tụng này. Quý
vị nếu y theo đạo lý ấy mà tu hành, thì có thể đắc được pháp của Ngài.
Đồ chúng lại hỏi: "Sau này trong giáo đoàn có tai nạn, khó khăn, ma nạn
hoặc có hoạn nạn gì không?" Ý nói, Lục Tổ Đại sư trong lúc sanh thời gặp
phải nhiều ma nạn như thế – thuê người đến ám sát Ngài, lại phái gián điệp
trộm pháp, lại có người phóng hỏa muốn thiêu chết Ngài, vô số tai nạn một
lời khó nói hết. Lục Tổ Đàn Kinh chỉ ghi lại chút ít, nhưng tin rằng lúc đó
có rất nhiều tai nạn, chớ không chỉ có vài sự kiện như vậy thôi. Như có
người đến trộm y bát sáu lần, đều nhân tiện muốn giết luôn Lục Tổ, nhưng
vì không trộm được cho nên kinh không có ghi lại.