học trong sự đào-luyện tinh-thần dân tộc ta từ đó, cùng là sự tôn-sùng của
người đời sau đối với các quan cai-trị Tàu đã có công giáo-hóa dân ta như
Sĩ-Nhiếp được tôn thờ là Sĩ-tiên-vương – thì chúng ta có thể đoán rằng tiếng
ta trước hồi Bắc-thuộc hãy còn thô-sơ lắm, chẳng qua là ngữ-ngôn của một
bộ-lạc vừa mới di-cư đến một lãnh-thổ và bắt đầu sống yên cái đời nông-dân
của họ.
Nguyên-lai tiếng nói ấy cũng đã phức-tạp lắm rồi. Đời nọ trải qua đời
kia, tiếp-xúc với những dân-tộc lân-cận nên đã vay mượn tiếng lẫn nhau.
Cho đến ngày nay tiếng nói của ta hầu hết phần nửa là lai Tầu, và một số ít
hơn gồm những tiếng mượn của các dân Thái, Thổ, Mường, Bahnars,
Polynésiens, không kể tiếng Pháp và ít nhiều tiếng ngoại-quốc mới nhập-tịch
gần đây.
Dân ta ngày xưa đã có một văn-tự riêng hay không ?
Ở đây cũng thế, không một dấu-vết gì của thời xưa đem lại cho ta một
câu trả lời chắc-chắn. Nếu ta cho rằng các dân Mường ở miền thượng-du
Bắc-kỳ và phía bắc Trung-kỳ ngày nay đã cùng với dân-tộc ta đồng thời xuất
hiện trên lịch-sử, thì chúng ta có thể đoán rằng ngày xưa ta cũng đã có một
thứ chữ viết giống như chữ của dân Mường ngày nay. Nhưng thứ chữ ấy
chắc không được tiện-lợi và phổ-thông, nên không bao lâu đã bị tiêu-diệt
trước thế-lực của chữ Hán, ngay từ khi nước ta bị người Tàu chinh-phục.
Nhưng trải qua một đoạn lịch-sử hãy còn mờ-mịt ấy, và khi bước vào thời-
kỳ Bắc-thuộc (111 trước Thiên Chúa giáng sinh) người Việt-Nam đã bắt đầu
có tính-cách một dân-tộc hoan-bị. Theo thuyết ông L. Aurousseau, trường
Viễn-đông bác-cổ, thì người Việt-Nam xưa kia là giòng giống người Bách-
Việt chiếm cứ miền Triết-giang bên Tầu, về đời Xuân-thu (333 tr. T.C.g.s.).
sau khi bị người nước Ngô đánh vỡ, người Việt phải chạy tán-lạc về phương
nam, rồi một nhánh lần-lần vào miền trung-châu xứ Bắc-kỳ. Nếu thuyết ấy
là đúng, thì lớp sóng di-dân đầu-tiên ấy chắc đã hỗn-hợp với các dân-thổ ở
đó và lâu đời đã hóa thành một dân-tộc thuần-nhất. Kịp đến vài ba thế-kỷ
sau, khi người Tàu trở lại chinh-phục xứ ta, thì người Việt-Nam đã bắt đầu
lập thành một quốc-gia, và nhất là đã có một ngôn-ngữ thành-thục lắm rồi.