LƯỢC KHẢO VIỆT NGỮ - Trang 14

Một chứng-cớ là sau khi nước ta đã ở dưới quyền đô-hộ người Tàu, bao
nhiêu văn-tự và ngôn-ngữ của họ tràn vào xứ ta vẫn không làm mất được vẻ
thuần-nhất của tiếng nói dân-tộc ta tự bao đời hun-đúc nên. Nó chỉ làm giàu
thêm một ngôn-ngữ đã có qui-định hẳn-hoi mà sự phát-triển sẽ theo con
đường nam-tiến của dân-tộc ta bành-trướng mãi mãi.

Tuy vậy ảnh-hưởng của Trung-quốc đối với ngôn-ngữ cũng như đối với

lịch-sử nước ta vẫn là xâu-đậm.

Là một dân-tộc có một nền văn-minh tối-cổ, và được Lịch-sử trao cho

cái sứ-mệnh truyền bá văn-minh khắp cõi Á-đông, cũng như người Hy, La,
trên bờ Địa trung-hải, người Tàu đã đem học-thức và kinh-nghiệm của họ
gieo rắc đến những địa-vực rất xa. Dân-tộc Việt-Nam cũng như các dân-tộc
Âu-châu ở thời kỳ La-mã toàn-thịnh đã hấp thu cái văn hóa của kẻ chiến
thắng.

Trong những quan-lại người Tầu sang cai-trị xứ ta có lắm kẻ tuần

lương như Nhâm Diên và Tích Quang đã có công khai-hóa dân ta, hoặc dậy
dân bằng lễ nghĩa Trung quốc, hoặc bầy vẽ cho người mình biết dùng nông
khí để cày bừa. Nhưng người có công lớn trong việc truyền-bá học-thuật
Trung-quốc sang xứ ta là Sĩ Nhiếp (187-226) đương thời làm Thái-thú quận
Giao-chỉ. Ông ấy là một nhà nho học uyên bác, nên nhờ ông mà việc học ở
nước ta được mở mang hơn trước nhiều.

Với thời-kỳ Bắc-thuộc, cái văn-hóa tối-cổ của người Tàu đem lại cho ta

đó, đã nhuần-thấm trong não-chất của người mình. Và cũng từ đó, nước ta
về chính-trị cũng như về các phương-diện khác đã sát-nhập hẳn vào cái «
thế-giới Trung-hoa ». Bản-chất người mình vốn thông-minh, lại ham học
ham biết, có tư-cách đồng-hóa rất giỏi nên hấp-thụ văn-hóa nước Tàu một
cách nhanh-chóng.

Tương-lai tiếng ta cũng vì thế mà có liên-lạc mật-thiết với chữ Hán.

Một kết-quả tốt-đẹp là tiếng ta được giàu thêm lên với một gia-tài quí-báu
tức là tiếng Hán-Việt.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.