khuyết-điểm của tiếng ta và sự cần vay-mượn tiếng. Cho nên trong câu tiếng
nôm dùng để nghe sách và giảng sách đó nhiều khi phải lắp lại y-nguyên
những danh-từ trong câu chữ Hán. Tiếng Hán-việt xen lẫn vào tiếng nói
hằng ngày của ta có lẽ là từ đó.
Vậy thì kết-quả bất-ngờ của sách dạy chữ nho ngày xưa là đã làm cho
tiếng nôm giàu thêm và càng ngày càng điêu-luyện, trở nên một thứ tiếng
trang-nhã quí-phái.
Trong khi phái trí-thức còn miệt-mài kinh truyện, thì tiếng nói thông-
tục hoàn-toàn giao-phó cho hạng bình-dân. Sống gần cảnh thiên-nhiên, hạng
này đã sớm cảm biết vẻ đẹp của nước non, hoa cỏ ; lăn-lộn trong đời thực-tế,
họ đã có những cảm-tình chân-thật và nồng-nàn trong bầu không-khí tự-do
của công việc đồng-áng ; ái-tình trong-trẻo và ngây-thơ đã gợi nên trong tim
họ những lời ca êm-ái. Một nguồn thi-ca khẩu truyển bởi đó mà phát-sinh,
rất trong sáng-rất dồi dào.
Những câu ca-dao của ta kể về nguồn-gốc có thể sánh với kinh Thi của
Tàu ; nói về thể-cách thì lại tương-tự những bài thơ ngắn Haï-Kaï của người
Nhật. Thêm vào những câu ca-dao, ta lại có vô-số những ngạn-ngữ phương-
ngôn là những tài-liệu về từ-ngữ rất quí báu mà chúng ta sẽ có dịp bàn đến.
Ca-dao và tục-ngữ lại là mở đường cho một nền thi văn thuần túy Việt Nam.
Lối thi ca bình dân ấy, cũng có những tác-phẩm trường thiên, ấy là
những « Truyện » và « Vè » mà chúng ta có thể cho là một loại với những «
sự-tích » và « truyện anh hùng » bằng thơ về thời Trung-cổ bên Âu châu.
Chính những « tích » và « truyện » ấy đã khởi đầu cho nền văn-học Pháp.
Những kẻ đặt ra « Truyện » và « Vè » của ta thật là những tên thợ vô danh
đã trau dồi cho quốc âm ngày thêm đẹp đẽ.
Đến cuối thế-kỷ 13, quốc-dân đã bước lên một trình-độ khá cao, khiến
cho văn-nhân trong nước bắt đầu chú ý đến. Hàn Thuyên và Nguyễn-Sĩ-Cố
đời nhà Trần là hai người đầu tiên dùng luật thơ, phú đời Đường để làm thơ,
phú bằng Quốc âm. Hàn-Thuyên lại có công chỉnh-đốn lối viết chữ nôm,