trị nước ta. Được có chữ Quốc-ngữ làm lợi-khí và máy in hoạt-bản, cho nên
tiếng Việt-Nam, vì thời-đại đổi thay, và tình-thế khiến nên, đã bước được
một bước dài trên đường tiến-bộ. Phong-trào văn-học Việt-Nam hiện-đại,
bắt-đầu từ thế-kỷ 20, có chiều xâu-rộng, chẳng khác gì một cuộc văn-nghệ
phục-hưng.
Nhưng trước khi bàn đến phong trào văn-học mới-mẻ ngày nay, chúng
ta hãy dừng bút ở đây để kết-liễu mấy trang phác-họa vừa rồi về quá-khứ
của tiếng Việt-Nam.
Tuy rằng đã bị phái thượng-lưu trí-thức ngày xưa xem thường là tiếng
nôm-na, không gia công rèn-luyện, tiếng Việt-Nam, đời nọ trải qua đời kia,
vẫn giữ địa-vị là tiếng nói chung cho cả một quốc-gia, một dân-tộc. Một nền
văn học Việt-Nam, sinh giống nẩy mầm trong thời quá khứ xa-xôi ấy, và
cỗi-rễ nó ăn-xâu bám-chặt trong tâm-hồn bình-dân. Những bước đầu của nó
vẫn là hèn-mọn, nhưng đã có một văn-học nào mới bước đầu mà tốt-đẹp
ngay đâu ! Lịch-sử cho ta thấy rằng tiếng Việt-Nam tiến-hóa một cách dần-
dà, nhưng vẫn cứ đi tới luôn. Một vài chứng-cớ cho sự tiến-hóa ấy là cuối
thế-kỷ 14, Hồ-Quí Ly đã cho dịch Kinh-thi ra chữ nôm để làm sách dạy Thái
tử. Đến đời Tây-sơn và đầu triều Gia-Long (1802-1820) chữ nôm được dùng
để thảo các dụ và chỉ, cùng thơ-từ bẩm-báo về việc công. Nhất là tiếng nôm
ngày xưa đã sản xuất một nền thi-ca, tuy chẳng huy-hoàng tráng-lệ, nhưng
vẫn có ít nhiều thiên tuyệt-tác để về sau, khiến chúng ta đọc đến còn cảm
thấy :
« Vơ-vẩn tơ vương hồn Đại-Việt
Thanh-tao thép lột giọng Hàn-Thuyên »…
Xét lịch-sử rồi chúng ta lại bâng-khuâng tự hỏi vận-mệnh tiếng ta sẽ
thế nào, nếu không có sự tiếp-xúc giữa hai văn hóa Đông, Tây, nó đã kích-
thích các dân-tộc Á-đông trên đường tiến-bộ. Dựa vào lịch-sử, chúng-ta có
thể đoán rằng tiếng Việt-nam chẳng chóng thì chầy sẽ bước lên địa-vị cao-
quí mà xưa kia nó vẫn phải nhường cho chữ Hán.