Song những nguyên-nhân kể trên đều đã thuộc về dĩ-vãng. Trải mấy
ngàn năm hun-đúc, dân-tộc ta đã có một bản-sắc hẳn-hoi ; dầu ở vào thế-giới
mới mẻ ngày nay cũng không có một ảnh-hưởng nào có thể làm tiêu-tan bản
sắc ấy một cách dễ-dàng được. Một lý-do ấy đủ đảm-bảo cho nền văn-học
Việt-Nam mà chúng ta sẽ vun-đắp sau này. Miễn là chúng ta cố giữ được
tinh-thần một dân-tộc, thì mọi sự trở-ngại, khó-khăn, chúng ta sẽ hoàn-toàn
thắng được.
Trong những điều trở-ngại cho sự phát-triển một nền văn-học Việt-
Nam, kể về thực-tế cũng nhiều, mà kể về thành kiến cũng lắm.
Có kẻ bảo tiếng ta nghèo, không thể sản-xuất một nền văn-học có giá-
trị. Đó chẳng qua là một thành-kiến sai-lầm. Một thứ tiếng giàu hay nghèo,
là do nơi trình-độ của dân-tộc nói thứ tiếng ấy. Nếu trình-độ dân-tộc ta ngày
càng cao thì tiếng ta cũng ngày thêm phong-phú là lẽ tất-nhiên vậy.
Có người lại nói tiếng Việt-Nam là một thứ tiếng đơn-âm không có
biến-thể, cho nên tiến-hóa chậm và không tiện-lợi để diễn-giải các khoa-học.
Về phương diện này chúng ta vẫn công-nhận rằng các thứ tiếng phức-âm và
nhiều biến thể là tiện-lợi hơn. Nhưng các thứ tiếng đơn âm và không biến-
thể lại có một ưu điểm khác bù lại. Những thứ tiếng phức-âm từ thế-kỷ nọ
đến thế-kỷ kia hay thay hình đổi dạng cho nên đọc những di-văn của đời
trước, nhà khảo-cứu cũng như nhà thẩm-mỹ thường gặp nhiều nỗi khó-khăn.
Trái hẳn thế, những thứ tiếng đơn-âm ít biến-hóa lại cho nhà khảo-cổ một sự
dễ dàng trong khi nhìn-nhận chân-tướng của quá-khứ, và lưu-truyền di-tích
lại tương-lai.
Nhờ có tinh-thần tự-lập mà dân-tộc ta trải bao đời đã giữ-gìn tiếng ta
được nguyên-vẹn, khiến cho tiếng Việt-Nam ngày nay rất có vẻ thuần-túy…
Nó đã từng chịu sự thí-nghiệm của thời-gian, và hiện-thời nó là sức mạnh
trong công-cuộc phục-hưng quốc gia của chúng ta. Cái lực-lượng sinh tồn và
phát triển của tiếng Việt-Nam về tương-lai chính là ở đó. Những bước tiến-
bộ của nó về hiện-tại và địa-vị càng ngày càng trọng yếu mà nó chiếm trong
phạm-vi trí-thức sinh-hoạt của chúng ta, đem lại cho ta rất nhiều hi-vọng.