cả. Nhưng muốn cho quốc văn được rõ-ràng dễ hiểu, tưởng cũng nên vạch ra
vài nguyên-tắc để làm chừng-mực cho người viết văn. Những nguyên-tắc ấy
ông Phạm-Quỳnh đã từng nói đến một cách tường-tận trong những bài đăng
ở tạp chí Nam-Phong khoảng mười năm về trước, ngày nay chúng ta xem lại
vẫn thấy còn thích-hợp.
Đại-để, mỗi nhà văn vẫn có trọn quyền cân-nhắc trong sự dùng chữ
Hán, sao cho thích-đáng. Nếu bỏ hẳn đi thì quyết nhiên không thể viết quốc-
văn cho xuôi được. Trái lại, nếu dùng nhiều chữ Hán quá thì lời văn không
được nhẹ-nhàng uyển chuyển. Về thực-tế nên phân-biệt tính-chất của mỗi
bài văn như sau này :
1) Lối văn dùng để ghi chép những tin-tức vặt trên các báo-chương ;
2) Lối văn tiểu-thuyết ;
3) Lối văn lịch-sử ký-sự ;
4) Lối văn biện-luận ;
5) Lối văn thuyết-lý về đạo-đức, triết-học, tôn-giáo.
Trên này là sắp theo thứ-tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Một thể văn
càng khó càng cao, thì càng cần-dùng nhiều chữ Hán. Trái lại một lối văn
bình-thường thì tránh dùng chữ Hán được bao nhiêu lại càng hay.
Tài-liệu chữ Hán ở trong văn-chương cổ-điển Tàu tuy giàu thực nhưng
chúng ta còn có thể làm cho nó tăng lên mãi bằng cách nhân chữ cũ đặt ra
danh-từ mới. Người Nhật đã làm gương cho ta trước. Ngay từ lúc mới
nghiên-cứu học-thuật Tây-phương, họ đã phiên dịch các sách khoa-học triết-
học cùng văn-học Âu-châu ra tiếng Nhật. Gặp những danh-từ trừu-tượng, họ
vẫn mượn chữ Hán, nhưng dùng theo một nghĩa xác-định hơn hoặc rộng-rãi
hơn, như : cách-mệnh, kinh-tế, văn-minh, hoặc ghép chữ cũ thành những
danh-từ mới, như : trừu-tượng cụ-thể… Những danh từ mới do người Nhật
đặt ra rồi chính người Tàu cũng bắt-chước theo. Đến lúc những tân-thư của
các văn-sĩ Tàu truyền vào nước ta, khoảng 40 năm trước, liền được phái trí-
thức cựu-học ta hoan-nghênh nhiệt-liệt. Đứng về phương diện ngôn-ngữ thì
tiếng ta lại giầu thêm vô-số danh-từ mới.