Ngày nay chúng ta há lại không thể do chữ Hán sáng-tạo ra danh-từ
mới cho chúng ta dùng, như người Tàu, người Nhật hay sao ? Có thể chữ
Hán đối với tiếng ta mới có thể đương địa-vị của tiếng La-tinh hay tiếng Hy-
lạp đối với tiếng Pháp. Muốn được thế, chúng ta cần có nhiều người tinh-
thông ngôn-ngữ và văn-học Trung-hoa. Nhưng theo chế-độ giáo-dục ở nước
ta ngày nay, làm thế nào mà đạt được mục-đích ? Thật là khó-khăn ! Nhưng
thiết-tưởng không phải một việc khó-khăn không thắng nổi. Trong một
chương sau chúng tôi sẽ bàn đến vấn-đề dạy chữ Hán ở các trường, và xét
xem cái phương-pháp giáo-thụ thích-đáng khiến cho thanh-niên trí-thức
nước ta, tuy không tinh-thông chữ Hán ngay lúc ở học-đường, nhưng cũng
có được một cơ-sở vững-vàng và một phương-pháp hiệu nghiệm để về sau
tự học lấy cho đến chỗ uyên-thâm.
b) Tiếng lai-Pháp. – Tiếng Hán-Việt thực là một kho tàng quí báu cho
quốc-văn, nhưng đối với sự tiến-bộ rất nhanh-chóng của trí-thức loài người
và sự nhu-cầu của tư tưởng hiện-đại, ngày càng tinh-vi, càng phức-tạp, thì
một kho tàng ấy hẳn là chưa đủ. Tiếng Hán Việt dùng để tả tình tả cảnh, để
diễn những ý-tưởng về luận-lý thì rất hay rất giàu, nhưng ứng-dụng vào
khoa-học hay triết-học hiện-đại thì hãy còn khiếm-khuyết.
Muốn bổ-khuyết cho quốc-văn về phương-diện ấy, chúng ta cần mượn
thêm một thứ tiếng hoàn-bị hơn. Lẽ tự-nhiên chúng ta nên tìm trong tiếng
Pháp.
Trước khi học-thuật nước Pháp mở rộng tầm tư-tưởng của chúng ta,
những công-cuộc thiết-lập của người Pháp ở xứ này đã biến đổi cái thế-giới
vật-chất của chúng ta. Nhờ nó làm môi giới, cái văn minh cơ khí của Âu-
Tây đã tràn trong xứ, lần-lần thay đổi các điều-kiện sinh-hoạt của chúng ta.
Trong phạm-vi ngôn-ngữ, dân-chúng hằng ngày tiếp-xúc với những vật-kiện
mới-mẻ mà tiếng ta vốn không có tên riêng để gọi. Lẽ tự-nhiên họ phải gọi
tên theo tiếng nói của kẻ đã đem những vật-kiện mới ấy tới cho mình. Thế
rồi tiếng Pháp bắt đầu nhập-tịch vào tiếng ta, trước hết là những tiếng thông-
thường. Cũng tựa như trường-hợp chữ Hán chúng ta thấy đây một hiện-
tượng về âm-vận-hóa, theo một vài nguyên-tắc rất dễ hiểu như :