Chúng ta ai là không biết ít nhiều câu hát dân quê. Những câu hát vừa
nhẹ nhàng vừa thâm-thúy, tả đủ mọi vẻ về tâm-linh và cảnh-ngộ của hạng
người lao-lực ấy. Có những câu êm-đềm vui-vẻ, ai-oán sầu-bi, hoặc kể nỗi
chua-cay éo-le ở đời, hoặc kể những niềm thương nỗi nhớ, nhưng bao-giờ
cũng làm cho ta cảm-động hay khoan-khoái vô-cùng, tỏ ra người dân quê
Việt-Nam giàu tâm-hồn thi-sĩ lắm và tiếng Việt-Nam quả có tính chất ưu-mỹ
về thi ca.
Những câu tục-ngữ, những câu nói lối, mà trong tiếng ta rất dồi dào, lại
có một ý-nghĩa và một công-dụng khác với ca-dao. Nguồn-gốc ở sự kinh-
nghiệm của người đời, hay kết-quả của sự cấu-tạo tự-nhiên trong tiếng nói,
những câu tục-ngữ thành-ngữ ở dân-gian, vì cớ ai ai cũng dùng, nên lâu
ngày quen tai mà thành ra sáo cũ. Cái lợi ích của nó vốn là giúp cho lời nói
thêm sắc-xảo, đầm-đà thì mất dần đi, mà trở lại nó giúp cho sự lười biếng về
tư-tưởng. Nếu chúng ta để ý nghe, câu chuyện của những ông già bà cả ở
nhà quê, chúng ta sẽ nhận thấy họ dùng rất nhiều tục-ngữ và thành ngữ,
thành ra lời nói của họ có vẻ sáo, cũng tựa-hồ như những nhà viết văn hay
quá thiên về lời dùng điển.
Nhưng về phương-diện từ-ngữ thì ngạn-ngữ với thành ngữ lại có lợi-
ích rất nhiều. Do những tiếng chọn-lọc rất khéo kết-hợp nên, chúng nó là
những điểm kết tinh ở giữa sự thay-đổi không thường của tiếng nói. Người
ta có thể bằng theo đó để định nghĩa từng tiếng một, và dùng chữ được xác
đáng. Vả lại trong một ngôn-ngữ phần nhiều là độc-âm – như tiếng ta hay
tiếng Tàu chẳng hạn – không liên-quan gì với nhau – hoặc có, nhưng rất ít –
thì ngạn-ngữ với thành-ngữ lại có cái lợi-ích nối liền rất nhiều chữ bằng một
mối liên-lạc mật thiết. Thật vậy những chữ đã ghép lại với nhau để làm nên
một ngạn-ngữ hay một thành-ngữ thì bao giờ cũng đi liền với nhau trong trí
nhớ, một chữ rời ra tức là nhắc cho người ta nhớ đến cả câu. Vì vậy có nhiều
chữ ngày nay chúng ta không hiểu rõ nghĩa gốc của nó, nhưng vẫn còn sót
lại trong tiếng nói hằng ngày : như chữ kẹn trong câu : già kén kẹn hom ?
hay chữ « nam » và chữ « chiêu » trong câu : chân nam đá chân chiêu.