Xem thế, tuy không có giá trị đặc-biệt về văn-học, tục-ngữ với thành
ngữ là một môn tài-liệu về từ ngữ rất dồi dào trong tiếng ta, so với ca-dao lại
có phần quan-trọng hơn. Sưu tập tất cả ca-dao và tục-ngữ thành-ngữ trong
tiếng nói bình-dân là một công-trình rất hữu-ích và cần-thiết cho sự bồi-đắp
quốc-văn vậy.
Ngoài ca-dao từ-ngữ và thành ngữ, chúng ta lại nên chú-ý đến loại
tiếng-đôi, là một đặc-sắc của tiếng ta nữa. Nhạc-điệu trong tiếng ta phần
nhiều nhờ những tiếng-đôi, âm-hưởng rất nhịp-nhàng và ý-nghĩa, lại càng
bóng-bẩy tinh-tế. Nghiên-cứu loại tiếng rất quan-trọng này, chúng ta sẽ thấy
ít nhiều qui-tắc về sự cấu-tạo tiếng ta. Tiếng-đôi có nhiều cách kết-hợp :
1) Hai tiếng đồng-loại (đều là danh-từ hay hình-dung từ) có nghĩa
tương-tự, chắp lại làm một tiếng đôi, có nghĩa phổ-thông hơn và không xác-
định, ví-dụ : giàu-có, mạnh-khỏe, lanh-lẹ
2) Hai tiếng khác loại chắp lại thành tiếng-đôi, có nghĩa mới, ví-dụ :
buồn (hình-dung từ) và tình (danh-từ) = « buồn-tình »
3) Hai tiếng đồng-loại (thường là hình-dung từ hay động-từ) một tiếng
làm nghĩa chính, một tiếng làm nghĩa phụ, chắp lại thành một tiếng-đôi, ví-
dụ : say-sưa – trong tiếng – đôi nầy, tiếng « say » là lấy nghĩa chính, tiếng «
sưa » là nghĩa phụ. « Say-sưa » có ý nói người đã đam-mê một vật gì hay
một việc gì thì hay xao-lãng (sưa = sơ) những phận-sự khác. Lại ví-dụ : hút-
xách có ý nói người hút-thuốc (theo kiểu xưa) bao giờ cũng cắp (xách) cái
điếu (pipe à eau) theo bên mình.
4) Một chữ và một tiếng đệm (chỉ dùng thanh-âm chứ không dùng
nghĩa) chắp lại làm một tiếng đôi thường dùng theo nghĩa rộng : ví-dụ : xa-
xôi, lạnh-lùng, vui-vẻ, trẻ-trung v.v…
5) Hai tiếng chỉ xem như hai vần (syllabe) không kể nghĩa riêng với
tiếng chắp lại thành một tiếng-đôi = ăn-năn, thờ-ơ. Những tiếng này thật ra
là những tiếng song-âm đặc-biệt (mots dissyllabiques).
Về hình-thức sự cấu-tạo nên tiếng-đôi cũng có những qui-tắc này :
1) Một chữ láy lại hai lần = thùng-thùng đùng-đùng…