Xem trên này, học-giả nước ta thật đã tận-tâm với vấn-đề cải-cách chữ
quốc-ngữ. Nhưng cách sửa đổi của họ vẫn chưa được hoàn-toàn, nên đã từng
làm đích cho phe phản-động. Phe này trách những kẻ đề-xướng cải cách
không có óc khoa-học tí nào, vì đã lầm-lẫn chữ cái dùng để phiên-âm, với
các dấu dùng để chỉ thanh. Theo họ bản-tính âm và thanh khác hẳn nhau,
không thể dùng chung một thứ phù-hiệu được. Còn lấy âm-mẫu-kép
(voyelles composées) thay cho âm-mẫu-đơn (voyelles simples) theo lời bàn
của ông Dương-Tự-Nguyên thì cũng không căn-cứ vào một nguyên-tắc gì
xác-đáng và chỉ làm cho mỗi chữ dài thêm, cố-nhiên là không tiện-tiệp trong
lúc đọc lúc viết. Bỏ quách tất cả các dấu như ý-kiến ông Lê-Dư lại là một sự
cải-cách quá bạo-dạn. Văn-từ nào mà mỗi chữ có một hình-dáng để phân
biệt như các thứ ngôn-ngữ đa-âm và nhất là các lối chữ tượng-hình, hội-ý,
như chữ Tàu, thì sự bỏ bớt dấu vẫn không hại mấy. Nhưng văn-tự nào chỉ
chuyên hài-thanh (chua-âm) như chữ quốc-ngữ thì giá-trị và công-dụng các
dấu cũng quan-hệ không kém gì chữ cái. Nếu đem bỏ dấu đi sẽ là một trở-
lực lớn cho người đọc. Ngoài các lẽ thực-tế kể trên kia, người ta lại còn viện
một lẽ khác để giữ lại 5 dấu, vì rằng : nó biểu-thị được một đặc-tính của
tiếng ta là một thứ tiếng có âm-nhạc tự-nhiên.
Chúng tôi nhắc lại các cuộc tranh-luận về vấn-đề sửa đổi chữ quốc-ngữ
nhưng chưa dám quyết-định về một đằng nào. Vì là một vấn-đề phiền-phức
khó-khăn, muốn giải-quyết cho thích-đáng trước phải đứng về phương diện
ngữ-học, nghiên-cứu tính-chất của tiếng ta một cách thấu-đáo rành-mạch ;
ấy là công việc mà học-giả nước ta mới bắt-đầu lưu-tâm đến. Ở đây chúng
tôi chỉ bày tỏ một vài khái-niệm ; văn-tự dùng để ghi lời nói. Ngôn-ngữ nhờ
có văn tự mới phổ-cập được rộng và lưu-truyền được lâu. Một văn-tự đúng
lý-tưởng cần phải giản-tiện, nhưng đồng thời lại phải chiều theo đặc-tính của
mỗi thứ tiếng. Ngôn-ngữ lại theo thời-gian mà biến-hóa hoặc ít hoặc nhiều,
cho nên văn-tự không phải là một vật bất-di bất-dịch mãi đâu. Chữ quốc-ngữ
của ta ra đời đã ba trăm năm nay, những người sáng-chế ra nó vị-tất đã
nghiên-cứu được tường-tận những đặc-tính của tiếng ta về ba phương-diện :
âm, vận và thanh. Ngay từ buổi đầu nó đã trải qua vài phen sửa đổi – những
người thực-hành cải-cách trước nhất có lẽ là hai ông A. de Rhôdes và