VII. MỘT THỂ VĂN XUÔI VIỆT-NAM
Chúng ta đã thấy thơ, phú xuất hiện từ đời Trần. Đến đời Lê lại có
kinh-nghĩa và văn sách. Hai lối văn này về nội dung hơi giống những bài
luận-văn làm theo một khuôn-sáo nhất-định, về văn-từ thì có thể xem là một
bước đầu của tản-văn. Tuy vậy, một thể văn xuôi hoàn-toàn vẫn chưa thấy
dấu-vết ở trên lịch sử các thời-đại ấy. Gián hoặc cũng có những thư-tín của
người tư viết bằng văn xuôi, nhưng không lưu-truyền lại. Và khi Hồ-Quí-Ly
đem kinh-truyện của Tàu dịch ra tiếng ta, chừng đã dùng văn vần hay văn
xuôi, chúng ta cũng không thể biết được. Mãi đến thế-kỷ thứ 18, dưới triều
chúa Nguyễn và đời Tây-sơn người ta mới thấy quốc-âm được dùng để thảo
những chiếu chỉ của triều-đình hay những tấu, biểu của các quan. Chẳng hay
sự mở mang ấy là do tư-tưởng bài-xích người Tàu mà ra, hay chẳng qua vì
Hán-học ở phương nam chưa phát-đạt và đã bị tiêu-điều trong buổi loạn-lạc
chiến-tranh, các vị võ-quan hồi bấy giờ nhiều người không thông chữ Hán,
nên bất-đắc-dĩ phải dùng chữ nôm để thay vào ? Nhưng dầu sao, sau khi vua
Gia-long thống-nhất Nam Bắc thì cái học chữ Hán lại hưng-vượng, và quốc-
âm cũng liền mất địa-vị ấy.
Nay xét ra cái mầm quốc-văn đến đây gần như bị nghẹt, không sinh hoa
kết quả được, một là vì thế-lực của Hán-học hãy còn mạnh, hai nữa là vì ta
chưa có một thứ chữ thích-hợp hơn lối chữ nôm. Song nếu một mai thế-lực
của Hán-học bị lung-lay, suy-mòn, mà tiếng ta lại có được một thứ chữ tiện-
tiệp để làm lợi-khí thì tình-thế sẽ đổi hẳn. Ấy chính là đặc-sắc của thời-đại
này.
Cái lợi khí mà tôi muốn nói đó là chữ quốc-ngữ, một lối văn-tự dùng
chữ cái La mã và năm dấu để phiên-âm tiếng ta. Thủy-xướng là các nhà
truyền-giáo Gia tô người Bồ-đào-Nha, qua ở xứ ta vào thế-kỷ 16, 17. Về sau
nhờ có hai ông giám mục người Pháp là Bá-đa-lộc (Evéque d’Adran), và
Alexandre de Rhodes sửa-sang lại mới thành thứ chữ quốc-ngữ chúng ta
dùng ngày nay. Nguyên lúc đầu các nhà truyền-giáo ngoại quốc dùng lối chữ
ấy làm phù-hiệu để ghi-chép tiếng ta mà họ cần phải học, cho tiện bề giao-