LƯỢC KHẢO VIỆT NGỮ - Trang 44

hoặc cho quốc văn không thể lìa bỏ lề-lối khuôn-mẫu của Hán-văn, hoặc trái
lại, muốn cho quốc-văn bắt-chước hệt theo mẹo-mực của văn xuôi Pháp.
Nhưng chúng ta phải công-nhận có một số nhà văn thức-thời đã có học-vấn
rộng rãi gồm cả tân và cựu, lại khéo đem ứng-dụng vào quốc-văn những
đặc-tính hay trong văn cổ-điển Tàu và trong văn xuôi Pháp. Cho nên lối văn
của họ đã vừa trang-nghiêm nhã-nhặn lại vừa trong-sáng dễ-dàng.

Tương-lai văn quốc-ngữ chắc là ở trong sự điều-hòa khéo-léo ấy, thêm

vào cái tinh-thần đặc-biệt của tiếng ta. Ấy là thời-kỳ thứ ba trong lịch-trình
tiến-hóa của văn xuôi Việt-Nam vậy.

Một ngôn-ngữ có một tinh-thần riêng, tiêu-biểu tâm-hồn của dân tộc và

thích-hợp với cách vận-dụng tư-tưởng của người ta. Chúng ta có thể mượn ở
ngôn-ngữ của một dân-tộc khác những cái gì làm cho tiếng ta thêm giàu,
thêm hay, nhưng bao giờ cũng phải thuận theo tinh thần tiếng ta trước đã.
Muốn giải-thích một ngôn-ngữ không phải là dễ, người ta có thể lĩnh-hội,
nhưng nói ra rất khó. Tinh-thần tiếng ta có lẽ là ở những đặc-tính trong sáng,
nhẹ-nhàng và ở sự hòa-hợp thanh-âm, tức là âm-nhạc tự nhiên trong tiếng
nói. Không gì làm cho ta khoan-khoái bằng khi được đọc một câu văn, hay
nghe một lời nói có tính-chất hoàn-toàn Việt-Nam. Trí ta hiểu được ngay,
tâm ta cảm đến ngay. Những thí-nghiệm gần đây của vài văn-sĩ hiếu-kỳ
muốn xáo-trộn cả tinh-thần của tiếng ta, bắt phải theo những cách diễn-đạt
tư-tưởng trái hẳn với tinh-thần ấy, chỉ là những cuộc thí-nghiệm điên-cuồng
không thể đứng vững được. Một lối văn như thế nếu có nhiều người phụ-họa
chăng nữa, cũng không thể phổ-thông cho cả dân-tộc, chẳng qua là một thứ
ẩn-ngữ riêng cho một hạng người hiểu biết lẫn nhau mà thôi.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.