VIII. KHÁI-LUẬN VỀ VĂN-HỌC VIỆT-NAM
HIỆN-ĐẠI
Lịch sử văn-học hiện-đại ở nước ta có thể chia ra hai thời-kỳ lớn :
Thời-kỳ thứ nhất là công-trình các nhà phiên-dịch. Phong-trào sáng-tác
trong văn-học hãy còn vắng-vẻ. Tiếng Việt-Nam tuy nhờ có chữ quốc-ngữ
và nghề báo phát-đạt nên đã tiến bộ được nhiều và có thể làm tài-liệu cho
những tác-phẩm về văn học. Nhưng bất-cứ văn-học nào, không thể đương
không gây-dựng lên được, tất phải có nền-tảng rồi sau mới phát-đạt. Nền-
tảng đây tức là sự tập-truyền của người lớp trước để lại và người sau kế-tiếp
nói theo. Tập-truyền ấy các nhà văn ta, trong buổi văn-học sơ-khai, tuyệt-
nhiên không biết tìm vào đâu, vì các bậc tiền-bối ở mấy thế-kỷ trước không
hề viết-lách bằng quốc-âm, trừ ra một ít thơ, phú.
Tuy chính họ là những kẻ tiền-khu trong cuộc vận-động văn-học ngày
nay, lớp học-giả nước ta về khoảng 3, 4 mươi năm trước, đã từng chú-trọng
đến vấn-đề cải-tạo tinh-thần và nâng cao trí-thức cho quốc-dân hơn là vấn-
đề văn-học. Khẩu-hiệu của họ lúc bấy giờ là thâu-thái trong hai văn-hóa
Đông, Tây những cái gì có thể giúp trong công việc cải-tạo tinh-thần, tri
thức ấy. Bởi thế họ đua nhau dịch sách Đông, Tây về các loại triết-học, luân-
lý, và ít nhiều tác-phẩm văn-học có tính-cách xã-hội. Ở Nam-kỳ thì các ông
Trương-Vĩnh-Ký, Paulus Của là những kẻ tiên-phong, ở Bắc-kỳ bộ biên-tập
hai tờ Đông-dương tạp-chí và Nam-Phong đã ghi nhiều thành-tích tốt đẹp
trong công việc ấy. Sự phiên-dịch là một phương pháp làm cho tiếng ta thêm
giàu, và đồng-thời đem vào địa-hạt văn-học của ta những trang kiệt-tác
trong văn-học Tàu và ít nhiều kịch-bản cùng tiểu-thuyết Tây.
Thời-kỳ thứ hai mới thật là bắt đầu một phong-trào sáng-tác văn-học.
Việc học trong nước càng ngày càng mở-mang, và sự khuếch-trương về kinh
tế đã đem lại cho một số đông quốc-dân một đời sống về vật-chất dồi-dào
hơn trước, người ta thấy trong xã-hội Việt-Nam nhóm thành một phái trí-
thức mới cùng một giai-cấp tiểu-phú-hào. Trên lớp đa-số quốc-dân hãy còn