Một điều dễ nhận thấy là văn-học Việt-Nam ngày nay chịu ảnh-hưởng
đậm-đà của văn-học Pháp. Người ta có thể nói không ngoa rằng : văn-học
Việt-Nam ngày nay ra đời, một phần lớn là nhờ các nhà văn ta được rèn-tập
trong trường văn-học Pháp. Thật vậy các nhà văn ta đã thâu-hoạch tất cả kỹ-
thuật về văn-chương của họ trong khi gần-gũi với những tác-phẩm trứ-danh
của các văn-gia Pháp. Họ đã học theo các văn-gia Pháp từ cách phô-diễn ý-
tưởng cho đến cách tưởng tượng và cấu-tạo nên một công-trình văn-học.
Song xét cho kỹ, ảnh-hưởng ấy tuy vẫn lớn lao nhưng chỉ ở hình-thức mới
rõ-rệt chứ ở tinh-thần thi vị-tất đã sâu-xa. Ấy là bởi giữa hai nền văn-minh
Âu, Á, giữa hai xã-hội Cực-Đông và Cực-Tây, có những chỗ bất-đồng về
bản-chất, về tâm-lý và trình-độ tiến-hóa, làm trở-ngại cho những cuộc trao-
đổi sâu-xa về tinh-thần, như giữa hai văn-học đồng thời ở Âu-châu chẳng
hạn.
Thi-ca có khi đứng ra ngoài lệ. Một nhà tiểu-thuyết phải tìm trong
hoàn-cảnh xã-hội những tài-liệu để viết nên tác phẩm của mình. Nhưng một
nhà thơ có thể tìm đến những nguồn mỹ-cảm thuần-túy cao-siêu, là chỗ quê-
hương của tất cả những bậc thiên-tài trong nhân-loại. Như là để tỏ rõ tinh-
thần siêu-việt của thi-ca, chúng ta có thể kể một vài tác-phẩm của thi-sĩ Việt-
Nam hiện-thời, chịu ảnh-hưởng trực-tiếp của Musset hay Lamartine,
Verlaine hay Baudelaire, mà vẫn nói ra được những lời khiến lòng ta cảm-
động.
Các nhà văn ta hiện-thời ham tìm những cái mới lạ vẫn là chính-đáng.
Song tiếc thay họ đã bỏ qua một kho-tàng rất quí-báu là nền văn-học Tàu ở
những thời cực-thịnh. Đối với môn học cổ-điển Hán-Việt hình như càng
ngày người ta càng thờ-ơ lãnh-đạm. Tuy-nhiên, trong kho văn học của người
Tàu, cùng trong di-sản của hơn ngàn năm Hán-học ở xứ ta, các nhà văn ta
hiện-thời còn có thể tìm kiếm được những ông thầy đáng tôn-kính, và nhất
là vô-số những cốt truyện rất thiết-cận với nhân-tình. Cái học cổ-điển cần
phải chấn-chỉnh lại vì chẳng những nó quan-hệ đến tiếng ta và văn-học của
ta, nó lại còn quan-hệ đến sự đào-tạo tinh-thần của chúng ta nữa.