nhau ra phụng sự dư luận. Nhưng rồi trong giai đoạn 4 (phân hóa), các
khuynh hướng khác nhau của người làm báo đã đưa báo chí vào một thời kỳ
lắng đọng, chấm dứt những ngày « trăm hoa đua nở » mới qua.
b) Tiêu chuẩn ý thức chính trị
Người thứ hai có công theo dõi tiến trình của báo chí Việt Nam là nhà
báo lão thành Trần Tấn Quốc. Trong bài nói chuyện về chủ đề « Lịch trình
tiến triển của báo chí nước nhà qua các giai đoạn 1862-1956 », ông đã phân
tách các chặng đường mà báo chí đã đi qua. Nhưng trong bài nói chuyện
trên, ông chỉ đề cập tới báo chí miền Nam và chỉ nhắc sơ tới báo chí miền
Bắc như là để dẫn chứng mà thôi. Trái với Thê Húc, Trần Tấn Quốc không
phân chia các giai đoạn theo báo chí mà lấy ý thức chính trị ra làm căn bản
để phân biệt. Dưới con mắt của ông, báo chí Việt Nam trong suốt tiến trình
100 năm chỉ được phân chia thành hai giai đoạn như dưới đây :
1. Giai đoạn vô ý thức của báo chí thuở ban đầu 1862-1925.
2. Giai đoạn ý thức quốc gia, xã hội từ lúc Phan Bội Châu bị bắt, Phan
Châu Trinh chết, từ 1926 trở đi.
Sự phân chia của Trần Tấn Quốc có cái lý do của nó. Trên con đường
dài 100 năm, ông cắm một mốc ở gần khoảng 2/3 chặng đường đó, nghĩa là
vào năm 1926 để chia ra làm hai. Đó là năm xảy ra hai biến cố chính trị đặc
biệt làm rung động dư luận : Biến cố thứ nhất là vụ cụ Phan Bội Châu bị bắt
ở Thượng Hải giải về Hà Nội và bị đem ra xử như một tên phiến loạn vào
cuối năm 1925 để rồi tạo nên một không khí công phẫn trong quần chúng
vào năm 1926. Biến cố thứ hai là cái chết và đám táng cụ Phan Châu Trinh
tại Saigon khoảng tháng 4, 1926. Báo chí lúc đó đã ý thức được tinh thần
quốc gia và phản ảnh đúng lòng dân. Không khí làng báo qua hai biến cố
lịch sử này thật vô cùng sôi nổi.
Quan niệm của Trần Tấn Quốc cho thấy rằng báo chí Việt Nam kể từ
lúc phôi thai cho tới 1925 hoàn toàn ở vào tình trạng « vô ý thức ». Nó hoạt
động như một con người, hay sinh vật nào đó sống mà không có trí giác,
không biết mình làm gì, cũng chẳng có liên hệ đến đất nước mình đang