dụng những nguồn lực đã có sẵn. Mọi người muốn có ủng, mũ, ô tô và
có sẵn nhà máy cũng như công nhân để sản xuất ra chúng. Tuy nhiên sự
liên kết giữa cái con người muốn và cái mà nền kinh tế tạo ra đã bị phá
vỡ.
Trong lý thuyết của Keynes, thu nhập của một đất nước không
phải là những gì nền kinh tế của nước đó có thể sản xuất. Sao có thể
như vậy, khi có nhiều nhà máy và công nhân trở nên nhàn rỗi đến mức
nền kinh tế sản xuất ít hơn rất nhiều so với khả năng của nó. Thay vào
đó, thu nhập là số tiền mà người dân chi tiêu, những thứ mà họ có “nhu
cầu”. Khi tôi mua mũ của bạn, tôi sẽ tạo ra thu nhập cho bạn. Khi tất cả
chúng ta tiêu dùng ít đi, sẽ ít hàng hóa được mua hơn và sản xuất cũng
ít hơn. Vì vậy nên thu nhập của quốc gia sẽ thấp hơn. Bắt đầu từ điểm
này, Keynes đã tạo ra một sự giải thích mới cho sự suy thoái và thất
nghiệp.
Đầu tiên Keynes phải xác định tại sao kinh tế học truyền thống lại
cho rằng các nhà máy và công nhân luôn luôn làm việc. Ông nói rằng
giả thiết này xuất phát từ “Định luật Say” - định luật này được đặt tên
theo một nhà kinh tế học người Pháp vào thế kỷ 19. Keynes không đồng
ý với giả thiết này. Trước khi hiểu được lý do tại sao, chúng ta cần hiểu
định luật đó trước. Định luật Say cho rằng mọi thứ được sản xuất ra thì
đều được bán đi. Bởi vì những gì mà con người quan tâm là những sản
phẩm hữu ích mà họ có. Những người làm ủng bán ủng để có tiền mua
áo khoác và mũ. Những người sản xuất mũ bán mũ để có thể mua ủng
và áo khoác. Tiền có được từ sản phẩm này sẽ được sử dụng để mua sản
phẩm khác. Vậy nên sẽ không có trường hợp công ty không thể bán
được hàng dẫn đến thua lỗ nên phải sa thải nhân viên và đóng cửa nhà
máy. Vì thế, sự suy thoái và thất nghiệp là không thể xảy ra.
Theo Định luật Say, sẽ có những thời điểm nền kinh tế đạt được
mức tiêu dùng nhất định khiến các nhà máy hoạt động liên tục và mọi
người đều có việc làm. Hãy tưởng tượng mức tiêu dùng như mực nước
trong bồn tắm. Định luật Say áp dụng được bởi vì mọi người đều dùng