Khi quá trình đó hoàn tất thì Giám mục Rôma trở thành người quyền lực nhất
trên địa cầu. Lời nói của ngài có uy quyền không chỉ với đời sống dương thế mà
còn với cuộc sống sau sự chết. Ngài có thể bỏ tù bạn trong đời này hoặc cấm bạn
vào nước Chúa dễ dàng như nhau. Khi lên đến tột đỉnh thì quyền lực của Giám
mục Rôma là vô cùng rộng lớn, tuy cũng phải mất vài thế kỷ mới đạt đến cực
điểm ấy. Để hiểu chuyện đã xảy ra như thế nào, ta cần quay lại với hoàng đế
Constantine vào thế kỷ.
Sẽ là sai lầm nếu mặc định rằng Rôma luôn là trung tâm điều hành của Đế
chế La Mã. Nó đã là như thế cho đến năm 330, khi Constantine quyết định thành
lập các cơ quan của đế chế ở đầu phía đông lãnh thổ của đế chế. Ông cho xây một
thành phố hoành tráng đặt theo tên mình là Constantinople, ngày nay là thủ đô
Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc lập nên thành phố này đã tạo tiền đề cho một số
đổi thay. Constantinople trở thành thành phố quan trọng nhất của đế chế và một
phần lớn sự vĩ đại của nó gắn liền với các giám mục sở tại. Giám mục của những
thành phố như Rôma và Constantinople là những nhân vật đầy uy thế và có thẩm
quyền cao hơn các giám mục của những chốn ít quan trọng.
Tại các thành phố thuộc miền Đông Đế chế, các giám mục đứng đầu tự gọi
mình là các thượng phụ, từ tiếng Anh patriarch có gốc từ tiếng Hy Lạp nghĩa là
“người cha”. Ở phía Tây, họ tự xưng là pope, tức Thánh cha (hay Giáo hoàng),
gốc từ tiếng Latinh cũng nghĩa là “người cha”. Đằng sau các khác biệt về từ ngữ,
những bất đồng sâu xa khác cũng dần xuất hiện. Trên lý thuyết, họ vẫn thuộc một
Giáo hội nhưng đang bắt đầu phân tách. Như nhiều cuộc cãi cọ khác trong lịch
sử, sự chia tách xoay quanh chủ đề ai sẽ lên nắm quyền. Đức Giê xu từng khiển
trách các tông đồ vì họ đã tranh cãi việc ai trong số họ sẽ là vĩ đại nhất khi vương
quốc của Chúa thành hiện thực trên Trái đất. Một mâu thuẫn tương tự phát sinh
giữa Giám mục Constantinople và Giám mục Rôma: Ai vĩ đại hơn? Thượng phụ
miền Đông hay Thánh cha miền Tây? Khi đó thì không có Đức Giê xu để giúp
phân xử.
Trong thực tế, quyền lực tinh thần đang chảy về thành Rôma. Việc hoàng đế
không còn có mặt ở Rôma nữa nghĩa là giáo hoàng trở thành người có thẩm
quyền vô địch tại trung tâm cũ này; trong khi đó, ở Constantinople, vị thượng phụ
luôn ở trong cái bóng và sự kiểm soát của hoàng đế. Vào năm 1054, sự ganh đua