Và đó chính xác là điều Luther đã làm khi những người nông dân Đức
chứng kiến cuộc cách mạng Tin Lành thách thức thế lực của Giáo hội, kích động
và băn khoăn sao họ không thể vùng lên thoát khỏi ách áp bức của giới địa chủ.
Họ không hẳn là nô lệ nhưng cũng gần giống thế. Họ là tầng lớp nông nô, những
người lao động trên ruộng đồng không có quyền lợi và không có cách nào vươn
lên khỏi cảnh nghèo đói. Họ ở đó làm việc quần quật đến chết để cung phụng cho
tầng lớp quý tộc sống trong các dinh thự và lâu đài hoành tráng. Giáo hội thì ban
phúc cho mối quan hệ chủ tớ đó như sự an bài của Chúa. “Người giàu ở trong lâu
đài, kẻ nghèo thì ở cổng, Chúa đã khiến họ cao sang và thấp hèn như thế, ngài
định đoạt tài sản của họ”, như một bài thánh ca phổ biến về sau đã mô tả. Tuy
nhiên, các nông dân Đức không thấy vậy và phong trào Cải cách đã trao cho họ
hy vọng. Nếu Giáo hội có thể thay đổi được thì tại sao xã hội lại không? Nếu
Martin Luther có thể lật đổ quyền năng của Giáo hội La Mã, tại sao họ không thể
đập tan quyền lực của giới địa chủ Đức?
Cuộc nổi dậy của họ, gọi là cuộc Khởi nghĩa Nông dân, chỉ kéo dài một năm
từ 1524 đến 1525. Với sự ủng hộ nhiệt tình và hung bạo của Luther, chính quyền
đã đàn áp dã man những kẻ nổi loạn và khoảng một trăm ngàn người đã bị giết
trong thời gian khởi nghĩa. Khi cuộc khởi nghĩa đã kết thúc, các băng nhóm tự
phát còn đi khắp vùng nông thôn đánh đập các nông dân còn sót lại và thiêu sống
họ ngay bên ngoài các túp lều của họ. Đây là một ví dụ nữa cho thấy sự ám ảnh
được bước vào nước Chúa của tôn giáo đã khiến nó không quan tâm đến việc tìm
cách tốt hơn để giúp con người sống hòa thuận với nhau trên Trái đất như thế
nào. Sự tham gia của phía Luther trong việc đàn áp cuộc Khởi nghĩa Nông dân có
thể được xem như là cuộc Thập tự chinh đầu tiên của tín hữu Tin Lành. Sẽ còn
những cuộc Thập tự chinh khác nữa, thường là giữa các tín hữu Tin Lành với
nhau. Mọi thứ đã thay đổi. Nhưng mọi thứ vẫn nguyên như vậy.
Đến cuối thế kỷ thứ 16, ngoại trừ Ireland, hầu hết vùng Bắc Âu đã theo đạo
Tin Lành. Các nhà thờ mới đi theo những hình thức khác nhau và thường xung
đột gay gắt với nhau. Tuy nhiên, châu Âu không phải là lục địa duy nhất trải qua
một cuộc khủng hoảng tôn giáo. Ấn Độ cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.
Vậy nên trước khi băng qua eo biển Manche để xem điều gì xảy ra khi cuộc
Kháng Cách tràn tới nước Anh và Scotland, ta sẽ đi ngoắt ngoéo lần nữa để xem
chuyện gì đang xảy ra ở Ấn Độ.