Sau đó ngài đi tìm các vị tỳ kheo mà ngài từng khiến họ thất vọng vì từ bỏ
đường tu khổ hạnh của họ. Ngài gặp họ tại Vườn Lộc Uyển ở Benares, một thành
phố nằm bên sông Hằng phía Bắc Ân Độ. Các vị vẫn tiếp đón ngài một cách nhã
nhặn dù từng bị ngài khước từ. Khi các tỳ kheo cáo buộc việc ngài từ bỏ cách
sống ép xác sẽ khiến ngài không còn khả năng đi tới giác ngộ nữa, ngài đã đáp lại
bằng một bài thuyết giảng mà về sau ta gọi là kinh Chuyển Pháp Luân. Trong bài
thuyết pháp này, ngài đặt lại câu hỏi từng khiến ngài day dứt khôn người từ khi
rời bỏ gia đình đi tìm giác ngộ. Chúng ta vốn bị những ham muốn trói buộc vào
vòng quay luân hồi; vậy điều gì sẽ chấm dứt được vòng quay ấy? Câu trả lời của
ngài về con đường giải thoát là con đường của sự trung dung giữa các cực đoan
mà ngài gọi là Trung Đạo. “Có hai cực đoan, này các tỳ kheo, mà người xuất gia
không nên hành trì. Một là đắm mình vào dục lạc, thấp hèn... không ích lợi. Hai
là sống đời khổ hạnh ép xác; như vậy là khổ đau... và cũng không ích lợi. Bằng
cách tránh cả hai cực đoan này, ta tìm ra Trung Đạo chính là con đường đưa đến
Giác Ngộ.” Còn các biển chỉ dẫn đến Trung Đạo chính là Tứ Diệu đế, hay Bốn
Chân Lý: Đời là bể khổ; nguyên nhân của khổ là các ham muốn; ham muốn có
thể bị đoạn trừ, con đường đoạn trừ nó là thực hành theo Bát Chánh Đạo.
Đức Phật là một người thực tế, một người của hành động. Một đặc điểm nổi
bật của những người thực tế là họ thích đưa ra danh sách, ví như những việc cần
làm, những điều nên ghi nhớ, các món đồ cần mua khi đi chợ. Danh sách Bát
Chánh Đạo của Phật gồm những điều cần làm để đoạn diệt các khao khát gây nên
khổ đau là như sau: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh
mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chánh kiến và chánh tư duy là
việc tìm ra Trung Đạo và đi theo đường ấy. Tiếp đến là thực hành chánh ngữ, tức
quyết định không vu khống người khác hay dùng lời lẽ thô tục. Quan trọng hơn là
từ chối ăn cắp, sát sinh hay làm điều bất chính, cũng như tránh các nghề nghiệp
gây hại cho sinh linh khác.
Đạo Phật do vậy là một lối thực hành chứ không phải là một tín điều. Là
điều để làm hơn là để tin. Điểm mấu chốt để thực hành hiệu quả là thông qua
thiền định kiểm soát tâm thức không ngừng ham muốn. Bằng việc ngồi yên và
dõi theo hơi thở hay thiền định về một từ hay một bông hoa nào đó, các thiền sinh
sẽ trải qua các tầng tâm thức khác nhau cho đến khi đạt trạng thái tĩnh lặng có thể
giảm bớt ham muốn. Đức Phật hẳn sẽ đồng ý với cái nhìn của một thầy tu người