32
Cuộc gặp giữa bệnh nhân và người nhà vào các ngày thứ Sáu là một
phần của chương trình trị liệu. Trong buổi gặp này, bệnh nhân phải viết sẵn
một trang tự bạch và đọc thành tiếng. Thường thì bài viết xoay quanh thời
thơ ấu, kỉ niệm gia đình hoặc nguyên nhân khiến bệnh nhân bắt đầu dựa
dẫm vào rượu, tức là tiết lộ những chi tiết riêng tư nhất của họ. Chú đã tham
gia đủ mọi hoạt động khác nhưng chưa bao giờ dự phần trong các buổi họp
mặt gia đình thế này, cho đến tận hôm nay. Tôi quan sát nét mặt Chú trong
khi Chú đứng trước những người lạ và đọc tự truyện cô đọng trên hai trang
giấy của mình. Tôi nhận thấy nỗi sợ hãi, do dự, buồn rầu và vui vẻ lần lượt
lướt qua khuôn mặt Chú. Có điều gì đã thay đổi ở đây? Nếu Chú bắt đầu
rèn luyện ý chí từ tháng Sáu, thì sang tháng Bảy Chú đã phải đạt đến cấp độ
thích nghi xã hội, tức là cấp độ thứ ba và cuối cùng rồi. Có những thay đổi
bắt nguồn từ ngoại cảnh, nhưng có những thay đổi phải tiến hành từ bên
trong. Tôi băn khoăn, liệu câu hỏi Chú tự đặt ra mỗi lần đối mặt với cơn
thôi thúc uống rượu có phải chất xúc tác cho sự thay đổi này không? Bởi tự
vấn, cũng như đặt một câu hỏi tu từ cơ bản, đòi hỏi một khát vọng và dũng
khí mãnh liệt.
Rời khỏi phòng trị liệu, chúng tôi ra ngồi trên ghế băng ngoài vườn như
mọi khi. Chú chít hai tay sau đầu, nhìn đâu đó xa xăm. Hôm nay có lẽ là lần
đầu tiên Chú nhắc đến thím trước mặt người khác.
– Hoa này trông như cúc vạn thọ tây ấy – Tôi nhận xét, trỏ bông cúc
vàng kim trong bồn. Màu vàng toát ra một sức mạnh dồi dào, như màu hoa
nghệ tây.
– Chú không biết màu vàng lại đẹp thế – Chú cau mày, nói bằng giọng
bối rối.
– Chú đã quyết định sẽ quên thím rồi?