II. Giòng trống Duy Tân
Tri thức mới chính là điều mà nhân dân luôn “khát”, đặc biệt trong
thời kỳ đất nước bị nô lệ. Những nhà nho yêu nước tiến bộ đã quyết
tâm mang tri thức mới đến từng thôn cùng ngõ hẻm. Hồi trống Duy tân
làm rung chuyển tận gốc rễ tư duy của một đất nước hơn ngàn năm
dưới chế độ quân quyền.
Ngôi trường làm việc nghĩa đầu tiên trong lịch sử
Trong những ngày tháng 3.1907, không khí Hà Thành như rộn rã náo nức
hẳn lên. Dân chúng sôi nổi bàn tán về ngôi trường mới tọa lạc tại số 4 Hàng
Đào, mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục. Một ngôi trường mà ngay khi vừa
mới rục rịch khai trương đã có những thông tin loan đi khắp nơi: đây sẽ là
nơi thực thi cách dạy và cách học hoàn toàn mới, do một đội ngũ hùng hậu
những anh tài của đất Hà Thành đứng lên đảm trách!
Tên “Đông Kinh Nghĩa Thục” đã gợi cho dân chúng Hà thành nhiều suy
đoán. “Đông Kinh”, ấy là tên cũ của kinh thành Thăng Long xưa do Lê
Thái Tổ đặt năm 1430, gợi lên một cảm giác hoài cổ. Còn “Nghĩa Thục” là
làm việc nghĩa. Chủ trương của trường là sẽ giảng dạy, phổ biến các kiến
thức mới dành cho tất cả những người dân có nhu cầu học tập, bất kể tuổi
tác và giới tính, học hoàn toàn miễn phí. Cái tên của trường đã làm cho nhà
cầm quyền Pháp thời đó phải e dè: liệu Nghĩa Thục có liên quan gì tới
nghĩa quân hay không? Đó là lý do khiến họ dùng dằng chưa chịu cấp giấy
phép mở trường ngay lập tức. Dẫu vậy, sự im lặng của nhà cầm quyền được
các nhà nho hiểu là sự... không phản đối.
Vài vị đồ nho khăn đóng áo the, trung thành với lối dạy học trò theo con