đường khoa bảng khi nghe tin này thì phẩy tay, cho rằng đó là một trò
ngông của những kẻ học Tây, học Nhật, muốn làm cái việc “gánh đá vá
trời”. Song phần đông dân chúng thì muốn được tận mắt chứng kiến về
những gì đang diễn ra trong ngôi trường đó. Người kẻ chợ thường dừng lại
trước ngôi nhà cụ cử Can, với một thái độ tò mò háo hức.
Căn nhà số 4 Hàng Đào vốn là một cửa hàng vải của bà cử Can, một cửa
hiệu đã nổi tiếng từ nhiều năm nay. Tiệm vải có bề ngang chừng 5 thước,
các tủ kệ hàng kê dọc theo hai bên tường, chừa lại lối đi chính. Những súc
vải đủ loại, mềm mại, lóng lánh sáng trong nắng mới. Nào là lụa Hà Đông,
the La Cả, đũi Vân Xa, lãnh Bưởi, gấm Thượng Hải. Hàng ngày, bà Cử
cùng hai cô con gái thay phiên nhau bán hàng. Bà cử Can là một phụ nữ có
nét mặt hiền hậu, nghiêm cẩn, đã theo nghiệp buôn bán từ thuở nhỏ. Các
cửa hàng của bà và con cái buôn bán rất phát đạt, tạo được niềm tin cho dân
chúng Hà thành vì chủ nhân biết giữ chữ tín trong kinh doanh đồng thời phu
nhân là một nhà buôn khéo léo, khách hàng luôn cảm thấy hài lòng khi tìm
đến tiệm. Tiệm vải số 4 Hàng Đào vốn đông khách, nay lại càng trở nên
nhộn nhịp hơn bởi những người đến nghe ngóng thông tin, muốn tận mắt
chứng kiến cách dạy và cách học của thầy trò của trường Đông Kinh Nghĩa
Thục. Mọi hoạt động dạy và học của trường nằm lại phía sau của căn nhà và
tầng gác phía trên. Nhiều người vẫn bán tín bán nghi, dò hỏi xem có thật là
trường học dành cho tất cả mọi đối tượng (già - trẻ, gái - trai) mà người học
không mất tiền hay không? Thời buổi đất nước loạn lạc với chồng chất khó
khăn về kinh tế, chính trị, một trường tư không lấy tiền quả là điều kỳ lạ!
Người ta đoán già đoán non, hẳn sau lưng nó phải có cả một hội những
mạnh thường quân giàu có tài trợ. Cũng có nhiều người mừng thầm, rỉ tai
nhau: hẳn là mấy ông đang tính làm việc lớn đây! Nghe đâu là tập hợp toàn
những anh tài đất Bắc cả! Hãy chờ xem sao...
Quả là sự học của Đông Kinh Nghĩa Thục ngay những ngày đầu đã có một
không khí thật sôi nổi, khác thường. Trước đây, ngôi nhà số 4 Hàng Đào
ngoài là tiệm vải thì còn là một trường tư thục do Lương Văn Can mở ra để