Đông Kinh Nghĩa Thục còn có các phân hiệu ở hai tỉnh lân cận là Hà Đông
và Sơn Tây: phân hiệu ở Thôn Canh và phân hiệu ở Tây Mỗ thuộc ở phủ
Hoài Đức; phân hiệu ở làng Chèm, Từ Liêm, phân hiệu ở Tân Hội thuộc
huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Mỗi phân hiệu sẽ có một số nhà nho phụ
trách và trực tiếp giảng dạy.
***
Những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, khoảng hơn 40 người, trong
đó hầu có tên tuổi của những danh sĩ lẫy lừng trong Nam ngoài Bắc: thục
trưởng Lương Văn Can, Giám học Nguyễn Quyền, Phan Châu Trinh,
Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học... Có
thể nói, họ là một tập hợp rất hùng hậu của những nhà nho tiến bộ, những
chí sĩ mà tên tuổi của họ được người trong nước rất trọng nể về nhân cách
và học vấn lúc bấy giờ. Khi đề cập tới sự thành công của Đông Kinh Nghĩa
Thục, nhà sử học Nguyễn Văn Xuân nhận xét: “...nhờ sĩ phu Hà Nội vốn rất
thông minh, tháo vát, có óc tìm tòi, học hỏi nên họ tạo cho trường một bộ
mặt sáng sủa, hấp dẫn, rất thích hợp cho dân đô thị...(...) Trên ban điều
khiển, Lương Văn Can là một vị cử nhân không chịu nhận chức vụ gì của
triều đình, nên được kính trọng, ở cương vị thục trưởng thật xứng đáng.
Học giám do Nguyễn Quyền, một nhân sĩ có danh vọng đảm đương. Ban
giáo huấn gồm nhiều tay lỗi lạc.”
Đông Kinh Nghĩa Thục không dạy theo lối khoa cử đương thời - nghĩa là
không dạy theo cách “nhồi sọ” để người ta học rồi đi thi ra làm quan như
thông lệ cả ngàn đời nay. Trường chủ trương học để lấy kiến thức, lấy sự
hiểu biết và học để thực nghiệp, lấy tri thức áp dụng vào đời sống, vào nghề
nghiệp. Chủ trương ấy quả là quá mới mẻ, rất đúng đắn, thậm chí nền giáo
dục của chúng ta cách các cụ ngót một thế kỷ mà vẫn đang vật vã với
chuyện làm sao để chuyển từ cách dạy để đi thi sang cách dạy thực nghiệp.
Những nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục đã làm một cuộc cách mạng
trong giảng dạy!