III. Chân dung người góp lửa
Trong những ngày đầu tiên lập trường, trong số những người sáng lập
Đông Kinh Nghĩa Thục thì tên cụ cử Can một lần nữa được người dân
Hà thành nhắc tới với thái độ kính trọng, nể vì. Người được bầu làm
thục trưởng, cũng là người đã hiến ngôi nhà số 4 Hàng Đào cho hoạt
động của trường và có nhiều đóng góp về vật chất khác để ngôi trường
làm việc nghĩa này có thể hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đặt
ra.
Chốn tụ họp của danh sĩ đất Bắc
Cụ Cử Can khi đó đã bước sang tuổi 53. Mấy chục năm trời gắn bó với
nghề dạy học, cộng với những trăn trở với đất nước, đã khiến mái tóc sớm
bạc trắng nên trông cụ già hơn tuổi thực rất nhiều. Dẫu vậy, ở cụ vẫn toát
lên sự nhanh nhẹn, quắc thước. Nét mặt nghiêm trang, cương nghị, nhưng
đồng thời cũng thật điềm đạm. Sự đôn hậu, trong ánh nhìn và trong tác
phong, cử chỉ khiến người đối diện thêm phần kính phục.
Người đương thời coi Lương Văn Can là “một danh vọng to tát trong giới
cách mệnh ở Thăng Long, phàm văn thân chí sĩ trong nước đã hoạt động
chống thực dân không ai không biết tiếng.”[1] Trong những ngày đầu các sĩ
phu dốc sức mở Đông Kinh Nghĩa Thục, nhiều người trong ban sáng lập
trường nói: trong trường Đông kinh Nghĩa Thục, nhà cụ Cử không chức gì
là không có! Đó là một câu nói đùa đầy thú vị, nó còn hơn cả mọi lời khen
trong hoàn cảnh lúc bấy giờ đối với cụ cử Can. Gia đình Lương Văn Can
hầu như đã cống hiến hết thảy cho sự nghiệp giáo dục: nhà riêng thì được
hiến cho trường học, con trai con gái đều có người tham gia dạy học, cụ thì
làm chức thục trưởng của trường. Không những thế, kinh phí để duy trì các