theo, Lương Văn Can lại may mắn được học bởi một người thày tài đức,
tâm huyết với nghề dạy học và không màng danh lợi, đó là cụ cử Nguyễn
Huy Đức (thôn Vũ Thạch, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội).
Năm 20 tuổi, Lương Văn Can đi thi và đỗ cử nhân tại trường thi Hương Hà
Nội. Năm sau đó, năm 1875, Lương Văn Can thi Hội và vào tới nhị trường.
Được triều đình bổ nhiệm làm quan nhưng ông đã không nhận chức mà về
nhà mở trường dạy học.Hành động từ chối chốn quan trường trong lúc
chính quyền đã rơi vào tay kẻ thù, khiến người đời nể phục, coi Lương Văn
Can là nhà nho tiết nghĩa và khí phách. Sau này, cụ cử Can có ghi lại trong
Hành trạng: “Ta vốn điềm đạm, pháp trực, không ưa chỗ náo nhiệt, thấy
vận nước gian nan, tài mình thô sơ, vẫn chỉ thủ tuyết ở nhà dạy học.”
Trong tình hình đất nước rối ren, cách hành xử của cụ khi đó là cách hành
xử thông thường của những nhà nho yêu nước và bất lực trước thời thế.
Song, việc “thủ tuyết” ấy không chỉ đơn giản là hành động “mũ ni che tai”,
trốn mình trong vỏ ốc để quên thế sự. Căn nhà số 4 Hàng Đào từ lâu đã trở
thành chốn vào ra của các danh nhân Hà Thành và anh em bốn phương.
Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng từng lui tới đây để bàn việc lớn.
Theo lời kể của Đào Trinh Nhất, “mấy năm trước khi xuất dương, Sào Nam
tiên sinh thường ra Bắc hà, cốt tìm những bạn thanh khí đồng tâm, có thể
cùng nhau bàn bạc đại sự. Không một chuyến nào ông Giải Phan xứ Nghệ
khét tiếng hay chữ, lại quên ghé thăm cụ cử Lương ở phố Hàng Đào.” Mọi
người tin tưởng cụ Lương, vì sự thâm trầm, từng trải và là người có tấm
lòng lớn với sự nghiệp của đất nước. Và trường Đông Kinh Nghĩa Thục
chính là thành công từ các cuộc hội đàm giữa những con người tâm huyết vì
vận mệnh đất nước. Những chí sĩ yêu nước nhận định, muốn đấu tranh
trước hết phải nâng cao trình độ của người dân, khai hóa văn minh, xây
dựng kinh tế đất nước, dần dần giáo dục tinh thần tự cường, lòng yêu nước.
Và làm được việc khai dân trí thì chỉ có thể lựa chọn một công cụ giáo dục
là đắc sách nhất.