khiến cho xã hội biến động nhanh chóng như trải qua những cơn địa chấn
lớn. Nhiều trường học mở ra với phong trào đổi mới trong cách dạy, cách
học và các nhà trí thức tiến bộ hô hào bài trừ những hủ tục lạc hậu có cội rễ
cả ngàn năm ở đất nước ta. Đặc biệt, cuộc Duy tân năm 1868 thành công đã
giúp Nhật trỗi dậy thành một cường quốc, sau đó liên tiếp đánh thắng Trung
Hoa (1894 - 1895) và Nga (1904 - 1905), tiếng tăm vang lừng khắp Á - Âu.
Các chí sĩ Việt Nam thời đó vô cùng xúc động và hồ hởi khi một nước đồng
chủng da vàng đã làm được một kỳ tích như vậy. Đặc biệt, dư âm của cuộc
cách mạng tư sản Pháp cũng đã vang tới tận Việt Nam.
Hàng loạt các cuốn sách đã được các nhà Duy tân Trung Hoa dịch sang
tiếng Hán và rất nhanh chóng, các tài liệu này lặng lẽ vào Việt Nam bằng
nhiều con đường. Những chí sĩ yêu nước thời đó đã được làm quen với
Montesquieu, Vontaire, Jean-Jacques Rousseau của Pháp hay các cuốn sách,
những bài báo của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu - những nhà duy tân
của Trung Quốc.Các nhà nho tiến bộ của chúng ta đã nhận ra sự lỗi thời của
Khổng giáo trong hoàn cảnh lịch sử hiện tại, nhìn thấy được những lạc hậu
của chế độ phong kiến đồng thời rất ngưỡng mộ sự phát triển vượt bậc của
văn minh phương Tây.
Những tưởng một nhà nho như cụ Lương Văn Can, từng đỗ đạt cao, tuổi
cũng đã lớn, một thời gian dài mở trường vẫn dạy học theo lối cũ, sẽ không
thể bắt kịp làn sóng duy tân. Song rất may cụ Cử có một tinh thần học hỏi
và cầu tiến, đã nhanh chóng tiếpthu những tư tưởng mới của thời đại, đổi
mới tư duy, mở rộng nhãn quan. Trong sâu kín tâm can của cụ chính là nỗi
trăn trở con đường đi cho đất nước. Cũng như bao trí thức thời đó, câu hỏi
canh cánh trong lòng cụ Cử là: phải làm gì đây để đổi thay vận nước? Thực
dân Pháp với chiêu bài khai hóa càng lúc càng siết chặt gọng kìm đô hộ.
Các cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ nổ ra trên cả nước bị triều đình Huế và thực dân
Pháp đàn áp, đã gần như tiêu tan hết. Rõ ràng, không thể đấu tranh bằng
phương pháp cũ để giành độc lập dân tộc trước một kẻ thù mạnh như Pháp.