quê hương của hai vị chí sĩ họ Phan - cụ cử Can chính là một trong những
mắt xích kết nối các anh em yêu nước Hà thành với các miền trong cả nước.
Người đời sau khi ôn lại sự khai sinh của trường Đông Kinh Nghĩa Thục
vẫn không quên nhắc về cuộc họp mặt lịch sử vào năm 1906 của những chí
sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Phan Châu Trinh Nguyễn
Quyền, Đỗ Chân Thiết, Lương Trúc Đàm... dưới mái nhà số 4 Hàng Đào để
đưa ra quyết định sáng lập ra một ngôi trường mới với một hoài bão vĩ đại
là nâng cao dân trí cho dân tộc.
Sự có mặt của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu trong cuộc họp này
chính là hai gương mặt đại diện cho hai đường lối đấu tranh ôn hòa và bạo
động theo xu hướng mới của đất nước thời kỳ ấy. Khi đó, tại miền Trung,
phong trào Duy Tân được khởi phát bởi Phan Châu Trinh, đã đạt được
những thắng lợi ban đầu, còn công cuộc Đông Du của cụ Sào Nam cũng có
những thành tựu nhất định - chuyến ghé về Hà Nội năm 1906 của cụ cũng
là vì mục đích vận động thanh niên xuất dương. Hai danh sĩ yêu nước lẫy
lừng thời dù rất gắn bó với nhau song họ lại đi trên hai con đường riêng:
Phan Bội Châu thì chủ trương dựa vào lực lượng của Nhật để đấu tranh
bằng con đường bạo động; còn Phan Châu Trinh lại chủ trương đấu tranh
bằng con đường công khai, ôn hòa, từng bước giành những quyền tự chủ,
bình đẳng cho dân tộc.
Dù có những bất đồng về đường lối, song hai phái bạo động và duy tân đã
thống nhất để đi đến việc thành lập một ngôi trường duy tân, mở những lớp
học không thu tiền, nhằm khai dân trí - càng nhiều người đến học thì càng
tốt cho việc nâng cao trình độ của người dân trong xã hội.
Các nhà chí sĩ yêu nước đã đồng tình với nhận định: Người Việt thua Pháp
vì sự lạc hậu, yếu kém về kinh tế, văn hóa, chính trị. Muốn đấu tranh giành
được quyền tự chủ thì trước hết phải mở mang dân trí, nâng tầm hiểu biết
của người dân lên. Khi dân trí cao, kinh tế, văn hóa cũng sẽ phát triển và