nhân dân ta, đánh tô thuế rất nặng làm cho nhân dân ta khốn đốn tuyệt
đường mưu sinh. Họ lấy uy binh mà trấn áp, lấy trọng pháp mà ngăn ngừa
để đoạt quyền tự do của dân ta. Họ là chủ nước thì họ hưởng quan cao, lộc
hậu; còn dân nước nô lệ thì gánh chịu việc nặng, việc hèn.”
Ngoài ra, Quốc Dân Độc Bản là một trong những tài liệu đầu tiên của
Việt Nam đề cập đến các vấn đề tư bản, thông thương, các khái niệm về
ngân hàng như trái phiếu, hối phiếu, séc; khái niệm về công ty, về mậu
dịch...
Như vậy, bên cạnh việc giảng dạy về đạo đức, cung cấp các kiến thức về
mô hình nhà nước mới của Nhật Bản, Trung Quốc, các kiến thức thực tiễn
giúp người dân thực nghiệp,... thì điều hết sức quan trọng là các chí sĩ muốn
truyền vào các tầng lớp trong xã hội sự thức tỉnh lòng yêu nước, ý chí chiến
đấu giành độc lập cho dân tộc, ý thức được thân phận yếu kém, nhục nhã
của một dân tộc bị nô lệ. Và con đường để giành được thắng lợi là mỗi
người thân phải tự ý thức được mình, phải tiến lên phía trước để tiến kịp
văn minh nhân loại, đua tranh với các nước văn minh trên toàn thế giới.
Quốc Dân Độc Bản là những tư tưởng tiến bộ của các nhà nho yêu nước
của Đông Kinh Nghĩa Thục, trong đó, chúng ta không thể không nhắc tới
công lao của nhà giáo, nhà trí thức Lương Văn Can - người vừa tham gia
giảng dạy, lại đứng đầu trong ban Tu thư, chỉ đạo việc biên soạn các tài liệu
giảng dạy cho Đông Kinh Nghĩa Thục.
Những nhà nho xung phong làm kinh tế
Một trong những phong trào rất tích cực hồi đó để cải cách đất nước phải kể
đến việc chấn hưng công thương. Các nhà nho Đông Kinh Nghĩa Thục nhận
định, phải khai dân trí, hướng người dân vào thực nghiệp: mở các hiệu
buôn, khuyến khích dân dùng hàng nội hóa, đầu tư vào khai mỏ, lập đồn
điền...