LƯƠNG VĂN CAN - XÂY DỰNG ĐẠO KINH DOANH CHO NGƯỜI VIỆT - Trang 65

Người Pháp không ngờ rằng một ngôi trường vừa mở ra được vài tháng mà
thanh thế đã ngùn ngụt. Đi tới đâu người ta cũng nói về Đông Kinh Nghĩa
Thục. Ý thức phản kháng của nhân dân dân trước những chính sách của
Pháp dần dần mạnh lên. Người ta bắt đầu nói nhiều đến nhân quyền, dân
quyền... Và rõ ràng đó là một dấu hiệu không lấy gì làm tốt đẹp cho “nhà
bảo hộ Pháp” lúc bấy giờ.

Qua việc khai dân trí, tinh thần đấu tranh của người dân được khơi dậy và
không ngừng được nâng cao. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một trong
những ngôi trường đi theo phong trào Duy Tân trong cả nước thời đó,
nhưng nó lại nổi bật, sáng chói như một hiện tượng rất lạ kỳ, thu hút sự chú
ý và sự hưởng ứng của nhân dân trong cả nước. Thậm chí, rất nhiều các
danh sĩ ở các tỉnh thành khác đã khăn gói tìm đến Thục trưởng Lương Văn
Can và các nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục để xin tài liệu giảng dạy,
học tập mô hình của trường đem về áp dụng cho địa phương mình.

Trong một bản báo cáo, toàn quyền Klobukowsky đã đề cập tới những ảnh
hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục như sau: “Hàng loạt thơ ca truyền miệng
đã đưa vào tới những vùng thôn quê hẻo lánh. Có những áng văn, những bài
thơ đả kích từ ngoài nước bí mật chuyển về, đem rải khắp trong đô thị...
Các cuộc thẩm vấn ở tòa đại hình cho chúng ta biết phương pháp hành động
của bọn phát ngôn cho phong trào chống chọi ấy. Họ đọc thuộc lòng những
đoạn thơ ca đượm một tinh thần yêu nước rất kích động.

Họ đi khắp Đông Dương, tổ chức những buổi họp mặt bí mật và đọc những
điều răn mà khẩu khí hùng hồn làm cho thêm phần linh hoạt, và một mặt
nữa, vẻ bí mật bao phủ xung quanh họ cũng làm cho câu chuyện họ nói có
một sức quyến rũ hơn nữa.”

Và như vậy, Đông Kinh Nghĩa Thục trở thành nỗi lo lắng của người Pháp.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.