Ở đời muôn sự đều hèn
Chỉ riêng đọc sách là trên mọi bề - Bùi Kỷ dịch)
Chính vì coi nghiệp đèn sách là nghề cao quý nhất trong thiên hạ nên các
công dân nước Việt ngày đêm dùi mài kinh sử, không phải để học lấy một
nghề mà mục đích cao nhất là ra làm quan, hay xoàng xoàng thì cũng làm
một thầy giáo làng. Các trường lớp xưa không có trường nào mở ra để dạy
nghề, chứ đừng nói gì đến chuyện dạy nghề kinh doanh, buôn bán.
Lương Văn Can cũng từng chỉ ra nguyên nhân của nền công thương bị
khinh rẻ trong quá khứ: “Cổ nhân thường khinh sự buôn là mạt nghệ, bởi vì
người đời xưa trọng đạo đức mà khinh công-lợi, thấy người buôn tham lợi
vô yếm, ít có nói thực, sợ mất cái lòng đạo đức đi, vả lại đời xưa thủy bộ
giao thông chưa tiện lợi lắm, tin tức chậm chạp, vận tải gian nan, buôn bán
không được lợi lắm, cho nên thường khinh bỉ mà ít người chịu làm.”
Cũng do các quan điểm của nhà nước phong kiến không trọng công thương
nên từ lâu trong xã hội đã hình thành lên một cái nhìn rất lệch lạc về những
người làm nghề buôn bán. Trong lịch sử văn hóa của Việt Nam, hình ảnh
những người làm kinh doanh luôn hiện lên như là nhân vật phản diện trong
xã hội. Phân tích về khía cạnh này, Dương Trung Quốc có viết: “Cả kho
tàng văn hóa truyền thống (ví như kho tàng truyện cổ tích Việt Nam) phong
phú là vậy chỉ có hai câu chuyện Mụ Lường và Đồng tiền Vạn lịch đề cập
chuyện buôn bán và chỉ nói cái xấu xa, “lươn lẹo”, “giả trá” của nghề buôn
và người buôn. Truyện Kiều thì chỉ thấy “thằng bán tơ” gieo tai họa cho dân
lành. Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ mô tả đời sống đô thị chỉ rặt
chuyện vô đạo lý, trong đó việc buôn bán bị coi khinh...”[1]
[1] Soi lại tấm gương xưa - Báo Tiền Phong, số 205, ngày 13.10.2004