con tại bệnh viện. Ngôi làng của chúng em, kẹt sâu trong thung lũng, nằm
quá xa tất cả các cơ sở y tế. Với hơn năm ngôi nhà bằng đá, ngôi làng
không có tòa thị chính, không có cửa hàng thực phẩm, không có xưởng sửa
xe, không có thợ cạo, thậm chí không có cả đến nhà thờ! Người ta chỉ có
thể đến đó bằng cách cưỡi la. Chỉ một vài tài xế liều lĩnh lái những chiếc xe
tải nhỏ mới dám phiêu lưu trên con đường đầy sỏi đá trượt theo khe nước
chảy - với điều kiện là phải thay lốp hai tháng một lần vì đường rất xấu.
Thế nên hãy tưởng tượng những cơn co thắt nếu mẹ em chọn sinh ở bệnh
viện... Mẹ sẽ sinh giữa đường mất! Omma nói rằng ngay cả các bệnh viện
lưu động cũng không bao giờ mạo hiểm di chuyển đến tận làng Khardji!
- Nhưng nếu ở nhà thì ai làm y tá? đôi lần em nằn nì hỏi khi Omma, mệt
mỏi trước những câu hỏi của em, đã quên không kể cho em nghe đoạn cuối
của câu chuyện em được sinh ra như thế nào.
- May mắn là có chị gái Jamila của con! Như mọi khi, chính chị gái con
là người đã giúp mẹ cắt dây rốn bằng một con dao làm bếp. Rồi chị ấy tắm
cho con và bọc con trong một mảnh vải. Anh trai Jad của con quyết định đặt
tên con là Nojoud. Người ta nói rằng đó là một cái tên của người Ả rập du
cư.
- Omma, con được sinh ra vào tháng Sáu hay tháng Bảy? Hay là giữa
tháng Tám?
Thường thì tới lúc đó Omma bắt đầu khó chịu.
- Nojoud, khi nào thì con ngừng đặt tất cả những câu hỏi này hả? mẹ
luôn trả lời em như vậy để chấm dứt chuyện hỏi han của em.
Thực ra, đó là vì mẹ không hề có ý niệm gì về ngày sinh của em cả. Bởi
lẽ ngay cả tên em cũng như họ của em đều không được ghi trong các giấy
tờ chính thức. Ở tỉnh, người ta sinh rất nhiều con mà không hề có chứng
minh thư. Về phần năm sinh của em, chúng ta sẽ biết... Bằng suy diễn, mẹ
em nói rằng bây giờ có lẽ em đã gần mười tuổi. Nhưng cũng rất có thể em
mới chỉ tám hay chín tuổi... Trước sự nài nỉ của em, đôi khi mẹ cũng thử
tính toán một cách khoa học bằng cách cố gắng lập lại thứ tự ra đời của các