thì lúc đó một quy trình sẽ trở thành có lợi thế chỉ vì nó kéo dài; trong trường hợp ấy chúng ta nên sử dụng các quy
trình kém hiệu quả về vật chất, miễn là chúng kéo dài đủ để cho cái lợi từ việc đình hoãn tiêu dùng trội hơn mức
độ kém hiệu quả của chúng. Trong thực tế chúng ta nên có tình huống, trong đó các quy trình ngắn phải được giữ
trong tình trạng khá khan hiếm để cho hiệu quả vật chất của chúng vượt trội cái bất lợi của việc giao sớm sản
phẩm các quy trình này. Do đó, một lý thuyết đúng đắn là phải tự đảo chiều được sao cho có thể bao hàm các
trường hợp hiệu quả biên của vốn tương ứng với cả lãi suất dương cũng như lãi suất âm; và, theo tôi nghĩ, chỉ có
lý thuyết về sự khan hiếm trình bày ở trên mới làm được như vậy.
Hơn nữa, có mọi thứ lý do giải thích tại sao các loại dịch vụ và tiện nghi khác nhau lại khan hiếm và do đó
đòi hỏi giá cao so với khối lượng lao động được sử dụng. Ví dụ, các quy trình có mùi hôi hám đòi thù lao cao hơn,
vì nếu không thì người ta sẽ không làm được những việc này. Các quy trình mạo hiểm cũng vậy. Nhưng cat không
nghĩ ra một lý thuyết về năng suất của các quy trình hôi hám hoặc mạo hiểm theo đúng nghĩa của chúng. Tóm lại,
không phải, mọi thứ lao động đều được thực hiện trong những tình huống kèm theo dễ chịu như nhau; và điều kiện
cân bằng đòi hỏi các vật phẩm được sản xuất ra trong các tình huống kèm theo ít dễ chịu hơn (do có mùi hôi hám,
mạo hiểm hoặc độ dài thời gian) phải được giữ trong tình trạng khá khan hiếm để yêu cầu giá cao hơn. Nhưng nếu
độ dài thời gian trở thành một tình huống kèm theo chấp nhận được (điều đó rất có thể xảy ra và đã xảy ra đối với
nhiều người) thì như tôi đã nói ở trên, chính các quy trình ngắn phải được giữ trong tình trạng khá khan hiếm.
Với mức độ vòng vèo tối ưu cho trước, tất nhiên, chúng ta sẽ chọn các quy trình vòng vèo có hiệu quả nhất
mà chúng ta có thể tìm thấy với tổng lượng cần thiết. Nhưng bản thân mức độ tối ưu phải được xác lập làm sao để
trong những thời điểm thích hợp có thể đảm bảo phần nhu cầu tiêu dùng mà người ta hiện đang muốn hoãn lại.
Nói cách khác, trong điều kiện tối ưu nên tổ chức sản xuất theo phương pháp có hiệu quả nhất tương thích với việc
giao hàng vào những thời điểm mà tại đó lượng cầu của người tiêu dùng được dự tính là sẽ trở thành thực tế.
Chẳng có lợi lộc gì nếu sản xuất để giao hàng vào những thời điểm khác với những thời điểm nói trên, mặc dù có
thể tăng sản lượng vật chất bằng cách thay đổi thời điểm giao hàng; trừ phi triển vọng về một bữa ăn thịnh soạn
hơn, có thể nói là, buộc người tiêu dùng phải ăn trước hoặc ăn sau giờ đã định. Nếu sau khi biết hết chi tiết về các
món ăn mà khách hàng có thể dùng trong bữa ăn bằng cách ấn định bữa ăn tối vào các giờ khác nhau, người ta dự
tính khách hàng sẽ chọn bữa ăn vào lúc 8 giờ, thì công việc của người đầu bếp là làm bữa ăn tối ngon nhất để phục
vụ vào giờ đó, bất kể 7 giờ 30, 8 giờ hay 8 giờ 30 là thời điểm thích hợp nhất đối với anh ta vì thời gian dẫu sao
cũng chẳng có ý nghĩa gì, và nhiệm vụ duy nhất của anh ta là làm bữa ăn tối ngon nhất. Ở một giai đoạn phát triển
nào đó, có thể là chúng ta dùng bữa tối ngon hơn nếu ăn muộn hơn thường lệ; nhưng cũng có khả năng là ở giai
đoạn khác chúng ta dùng bữa tối ngon hơn khi ăn sớm hơn. Lý thuyết của chúng tôi, như tôi đã nói ở trên phải áp
dụng được trong cả hai tình huống bất trắc này.
Nếu lãi suất bằng không, thì đối với mỗi vật phẩm nhất định thường có một khoảng thời gian tối ưu giữa thời
điểm bình quân đưa vào sản xuất với thời điểm tiêu dùng vật phẩm đó, trong khoảng thời gian đó chi phí lao động
thường là ít nhất - một quy trình sản xuất ngắn hơn thường kém hiệu quả hơn về mặt kỹ thuật, còn một quy trình
dài hơn thường cũng kém hiệu quả hơn do có chi phí lưu kho và hư hại. Song nếu lãi suất lớn hơn không, thì phát
sinh một yếu tố chi phí mới mà tăng lên cùng với độ dài của quy trình, cho nên khoảng thời gian tối ưu sẽ rút ngắn
lại, và mức sản xuất hiện hành để đảm bảo giao hàng sau này sẽ phải bị cắt giảm cho đến khi giá dự kiến tăng lên
đủ để trang trải chi phí đã tăng lên. Chi phí này sẽ tăng lên vừa do phải trả tiền lãi vừa cũng do suy giảm hiệu quả
của quy trình sản xuất ngắn hơn. Còn nếu lãi suất giảm xuống dưới không (giả sử điều này có thể xảy ra về mặt kỹ
thuật) thì sự việc sẽ diễn ra ngược lại. Khi biết lượng cần dự kiến của người tiêu dùng, thì có thể nói là phương án
sản xuất ngày hôm nay phải so sánh với phương án sản xuất vào một thời điểm muộn hơn. Do đó cũng chỉ nên sản
xuất hôm nay, khi mức độ rẻ hơn (do hiệu quả kỹ thuật lớn hơn hoặc do dự kiến giá cả sẽ thay đổi) của việc sản
xuất muộn hơn không đủ để bù vào lợi thế nhỏ hơn từ lãi suất âm. Đối với phần lớn hàng hoá thì hiệu quả kỹ thuật
sẽ giảm đi nhiều, nếu sản xuất chúng sớm hơn so với một khoảng thời gian rất ngắn trước thời điểm dự kiến tiêu
dùng các hàng hoá đó. Như vậy, cho dù lãi suất bằng không, thì cũng có sự hạn chế nghiêm ngặt đối với tỷ lệ
lượng cầu dự kiến của người tiêu dùng mà nếu dự trù trước thì sẽ có lợi. Và khi lãi suất tăng, thì tỷ lệ lượng cầu
tiêu dùng dự kiến đòi hỏi nên sản xuất ngày hôm nay sẽ giảm xuống một cách tương ứng.