Như vậy chúng ta thấy rằng các đặc tính khác nhau mà khi kết hợp lại làm cho lãi suất tiền tệ trở nên quan
trọng, thì tác động lẫn nhau theo cách luỹ tích. Việc tiền tệ có độ co giãn thấp về sản xuất và thay thế và có chi phí
bảo quản thấp thường làm tăng kỳ vọng là tiền lương danh nghĩa sẽ tương đối ổn định; và kỳ vọng này làm tăng
chuyển hoán phí của tiền và loại trừ mối tương quan bất thường giữa lãi suất tiền tệ với hiệu quả biên của các tài
sản khác mà có thể (nếu mối tương quan đó có thể tồn tại) làm cho lãi suất tiền tệ mất đi cái cốt tử của nó.
Giáo sư Pigou (cùng những người khác) thường cho rằng có cơ sở để giả định rằng tiền công thực tế ổn định
hơn tiền công danh nghĩa. Nhưng đó chỉ là trường hợp nếu có cơ sở để giả định có lợi cho tình trạng ổn định của
việc làm. Hơn nữa, còn có khó khăn là tiền lương bằng hàng hoá thường có chi phí bảo quản cao. Thật vậy, nếu
tìm cách ổn định tiền lương thực tế bằng cách ấn định lương tính theo hàng, thì hậu quả chỉ có thể là gây nên dao
động mạnh về giá tính bằng tiền. Vì mỗi giao động nhỏ về thiên hướng tiêu dùng và động cơ đầu tư sẽ làm cho giá
tính bằng tiền biến động mạnh và đột ngột giữa số không và vô tận. Việc tiền lương danh nghĩa phải ổn định hơn
tiền lương thực tế là một điều kiện của hệ thống có sự ổn định nội tại.
Như vậy, việc gán tính ổn đinh tương đối cho tiền lương thực tế không đơn thuần là một sau lầm về thực tiễn
và kinh nghiệm. Đó còn là một sai lầm về logic, nếu chúng ta giả thiết rằng hệ thống đang xét là ổn định theo
nghĩa là những biến động nhỏ về thiên hướng tiêu dùng và động cơ đầu tư không ảnh hưởng nhiều đến giá cả.
V
Để chú thích cho phần trên, có lẽ nên nhấn mạnh những gì đã nói ở trên, tức là “khả năng chuyển hoán” và
“chi phí bảo quản” đều là vấn đề mức độ; và đặc điểm của “tiền tệ” chỉ là ở chỗ nó có khả năng chuyển hoán cao
so với chi phí bảo quản.
Ví dụ, hãy xét một nền kinh tế trong đó không có tài sản nào mà đối với nó chuyển hoán phí bao giờ cũng lớn
hơn chi phí bảo quản. Đó là định nghĩa chính xác nhất mà tôi có thể đưa ra về cái gọi là một nền kinh tế “phi tiền
tệ”? Nói cách khác, trong nền kinh tế đó không có cái gì khác ngoài những mặt hàng tiêu dùng nhất định và những
thiết bị vốn (tư liệu lao động) nhất định, những thiết bị này ít nhiều được phân biệt tuỳ theo tính chất của hàng tiêu
dùng mà chúng có thể làm ra hoặc giúp làm ra trong một thời kỳ dài hoặc ngắn. Khác với tiền mặt, tất cả những
hàng hoá và thiết bị này đều bị hư hao hoặc gây ra phí tổn (nếu chúng được cất giữ trong kho) đạt tới một giá trị
lớn hơn bất kỳ chuyển hoán phí nào có thể gán cho chúng.
Trong một nền kinh tế như vậy những thiết bị vốn (tư liệu lao động) sẽ khác biệt nhau (a) về chủng loại của
hàng tiêu dùng mà những thiết bị này có khả năng tham gia sản xuất ra (b) về tính ổn định của giá trị sản phẩm của
những thiết bị này (theo nghĩa như là giá trị của bánh mỳ ổn định hơn theo thời gian so với giá trị của sản phẩm
mới hợp thời trang) và (c) về mức độ nhanh chóng mà của cải bao hàm trong những thiết bị vốn đó có thể trở
thành “dễ chuyển hoán” với nghĩa là làm ra sản phẩm mà doanh thu của nó, nếu muốn có thể lại được bao hàm
dưới dạng hoàn toàn khác.
Lúc đó những người có của sẽ cân nhắc sự thiếu tính “chuyển hoán” của những thiết bị vốn theo nghĩa trên
đây như là một phương tiện giữ của trên cơ sở ước lượng thống kê hiện có tốt nhất về lợi tức triển vọng của chúng
sau khi trừ đi phần rủi ro. Chuyển hoán phí, như ta sẽ thấy, một phần giống phí rủi ro, nhưng một phần lại khác, sự
khác đó tương ứng với sự khác biệt giữa những ước lượng tốt nhất về xác suất và độ tin cậy, mà chúng ta có thể
đưa ra những ước lượng ấy
. Trong những chương trước, khi chúng ta xét đến việc ước lượng lợi tức triển vọng,
chúng ta đã không đi vào chi tiết là việc ước lượng được tiến hành như thế nào. Và để tránh làm cho lập luận phức
tạp thêm, chúng ta đã không phân biệt sự khác nhau về khả năng chuyển hoán với sự khác nhau về rủi ro đích
thực. Song, rõ ràng là khi tính lãi suất riêng chúng ta phải tính đến cả hai yếu tố này.
Hiển nhiên là không có tiêu chuẩn tuyệt đối về “khả năng chuyển hoán” mà chỉ có mức độ chuyển hoán - một
khoản phí biến động mà phải tính đến, ngoài lợi tức do sử dụng tài sản sản và chi phí bảo quản, khi ước lượng các
mức độ hấp dẫn so sánh của việc cất giữ các dạng của cải khác nhau. Khái niệm về cái làm tăng thêm khả năng
“chuyển hoán” là một khái niệm có phần mơ hồ, thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào các tập quán và định
chế. Song trong đầu óc của những người có của có một thứ tự ưu tiên nhất định mà theo đó họ bộc lộ cảm nghĩ của