Chúng ta hãy trở lại với những gì xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng. Chừng nào thời thịnh vượng còn tiếp tục
thì lợi tức trước mắt của nhiều công cuộc đầu tư mới vẫn là thoả đáng. Người ta bắt đầu thất vọng khi đột nhiên
cảm thấy nghi ngờ khả năng lợi tức trong tương lai, có lẽ vì số lợi tức trước mắt bộc lộ dấu hiệu suy sút, khi số
hàng lâu bền mới được sản xuất tồn kho ngày càng nhiều. Một nguyên nhân khác nữa của sự suy giảm hiệu quả
biên của vốn là người ta cho rằng chi phí sản xuất hiện hành cao hơn trong tương lai. Một khi sự nghi ngờ đã xuất
hiện thì nó sẽ lan truyền nhanh chóng. Vì vậy trong thời kỳ đầu của suy thoái kinh tế có khả năng là hiệu quả biên
của phần lớn vốn trở nên không đáng kể, hoặc thậm chí là số âm. Nhưng khoảng thời gian trước khi việc thiếu vốn
do tư liệu sản xuất cũ đi, hư hỏng và lỗi thời, gây nên sự khan hiếm rõ ràng để tăng hiệu quả biên khoảng thời gian
đó có thể là một hàm số khá ổn định của tuổi thọ trung bình của vốn trong một thời kỳ nào đó. Nếu những đặc
điểm của thời kỳ đó biến đổi thì khoảng thời gian tiêu chuẩn cũng thay đổi. Thí dụ, nếu chúng ta chuyển từ thời kỳ
dân số tăng sang thời kỳ dân số giảm thì giai đoạn đặc trưng của chu kỳ sẽ kéo dài thêm. Nhưng, như ở trên đã
trình bày, có một nguyên nhân đáng kể khiến thời gian suy thoái kinh tế có mối quan hệ nhất định với tuổi thọ của
tài sản lâu bền và với tốc độ tăng trưởng bình thường trong một thời kỳ nhất định.
Yếu tố thời gian ổn định thứ hai bắt nguồn từ chi phí bảo quản hàng hoá dư thừa tồn kho. Chi phí này buộc
phải tiêu thụ số hàng tồn kho trong một thời gian nhất định nào đó, không ngắn lắm mà cũng không dài lắm. Việc
đột ngột ngừng đầu tư mới sau thời kỳ khủng hoảng sẽ làm cho một số lớn hàng chưa thành phẩm dư thừa bị tích
lại. Chi phí bảo quản số hàng này ít khi dưới 10% mỗi năm. Vì vậy, giá những hàng này phải giảm đến mức đủ để
dẫn đến sự hạn chế sản xuất để tiêu thụ lượng hàng này trong một thời gian chẳng hạn từ ba đến nhiều nhất là năm
năm. Quá trình thanh toán hàng tồn kho là đầu tư âm làm suy giảm hơn nữa mức sử dụng nhân công, và khi quá
trình này chấm dứt người ta cảm thấy dễ chịu hẳn đi.
Hơn nữa, việc giảm vốn lưu động, vốn là hậu quả tất nhiên của việc giảm sút sản lượng trong giai đoạn đi
xuống, lại một nhân tố khác nữa có thể đáng kể của sự giảm đầu tư; và khi cuộc suy thoái bắt đầu, nhân tố này có
ảnh hưởng thúc đẩy mạnh mẽ theo chiều đi xuống. Trong giai đoạn đầu của một cuộc suy thoái tiêu biểu, rất có thể
có thêm đầu tư vào những kho tồn đọng ngày càng nhiều để bù cho việc giảm đầu tư vốn lưu động; trong giai đoạn
sau có thể có một thời kỳ ngắn, giảm đầu tư cả đối với những kho tồn đọng lẫn vốn lưu động; sau khi đã qua điểm
thấp nhất, thì có thể lại tiếp tục giảm đầu tư vào những kho tồn đọng để bù đắp một phần cho tái đầu tư vốn lưu
động; và cuối cùng khi sự phục hồi tiến triển tốt thì cả hai yếu tố này sẽ đồng thời thúc đẩy đầu tư. Chính là trong
bối cảnh này mà ta cần phải xem xét những tác động phụ xếp chồng lên nhau của những biến động đầu tư vào
hàng hoá lâu bền. Khi sự giảm sút trong loại đầu tư này gây nên một biến động có tính chu kỳ thì khó có khả năng
phục hồi đầu tư như vậy trước khi chu kỳ đã phát triển được một phần
.
Đáng tiếc là sự suy giảm trầm trọng về hiệu quả biên của vốn cũng có tác động xấu đối với khuynh hướng
tiêu dùng, vì nó gây ra sự suy giảm nghiêm trọng về giá trị của những cổ phần trên thị trường chứng khoán. Điều
này tất nhiên làm nản lòng những người chuyên về đầu tư chứng khoán, nhất là nếu họ sử dụng nguồn vốn đi vay.
Có lẽ sự chi tiêu của những người này bị ảnh hưởng nhiều bởi sự tăng giảm giá trị đầu tư của họ, hơn là bởi tình
trạng thu nhập của họ. Với một xã hội luôn quan tâm đến chứng khoán, như ở nước Mỹ ngày nay, việc thị trường
chứng khoán tăng giá có thể
Hầu như là một điều kiện chủ yếu để có một khuynh hướng tiêu dùng thoả đáng, và tình hình này, nói chung
là cho đến thời gian gần đây không được quan tâm đến, rõ ràng là góp phần làm trầm trọng thêm tác động xấu của
sự suy giảm hiệu quả biên của vốn.
Một khi thời kỳ phục hồi đã bắt đầu, cách thức nó tự duy trì và phát triển được biểu hiện một cách rõ ràng.
Nhưng trong giai đoạn suy thoái, khi cả vốn cố định và những vật liệu tồn đọng đều dư thừa, và vốn lưu động
giảm sút, thì hiệu quả biên của vốn có thể giảm sút đến mức khó có thể điều chỉnh được, để có thể đảm bảo một
tốc độ thoả đáng cho đầu tư mới bằng cách hạ lãi suất xuống bất kỳ mức nào có thể thực hiện được. Vì vậy, với
những thị trường có tổ chức và chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như hiện nay, thì dự kiến về hiệu quả
biên của vốn trên thị trường có thể dao động nhiều đến mức không thể bù đắp đủ bởi những sự dao động tương
ứng về lãi suất. Hơn nữa, những biến động về thị trường chứng khoán, như chúng ta đã thấy ở trên, có thể làm