Định nghĩa của chúng ta về thu nhập ròng rất gần với nghĩa về thu nhập của Marshall khi ông này quyết định
dựa vào những tập quán thực hành của các uỷ viên đánh thuế thu nhập và coi là thu nhập tất cả những gì theo kinh
nghiệm của họ là như vậy. Những quyết định của các uỷ viên đánh thuế thu nhập có thể được coi là kết quả của
những công việc điều tra tỉ mỉ và sâu rộng để giải thích những gì trên thực tế thường được coi là thu nhập ròng.
Điều này cũng phù hợp với giá trị tiền tệ trong định nghĩa mới nhất của giáo sư Pigou về thu nhập quốc dân
.
Tuy nhiên, thật ra thu nhập ròng dựa trên một tiêu chuẩn lập lờ, nước đôi mà các nhà chức trách có thể giải
thích khác nhau, không thật rõ ràng. Thí dụ, Giáo sư Hayek cho rằng một cá nhân là chủ sở hữu các tư liệu sản
xuất có thể tìm cách giữ cho số thu nhập mà tài sản của anh ta mang lại được cố định, cho nên anh ta không thấy
mình được tự do chi số thu nhập đó vào việc tiêu dùng cho đến khi anh ta đã để ra một số tiền khá đầy đủ có khả
năng bù đắp cho chiều hướng giảm sút lợi tức đầu tư vì một lý do nào đó
. Tôi lấy làm nghi ngờ là có một cá
nhân nào đó đã xử sự như thế, nhưng dù sao việc đưa ra một cách suy nghĩ như vậy có thể xem như một tiêu
chuẩn tâm lý có logic đối với thu nhập ròng, không có gì trái ngược về mặt lý thuyết. Nhưng khi Giáo sư Hayek
cho rằng khái niệm về tiết kiệm và đầu tư cũng do đó mà có tính chất mơ hồ, thì ông ta chỉ đúng nếu ông ta nói về
tiết kiệm ròng và đầu tư ròng. Tiết kiệm và đầu tư ròng, thích hợp với lý thuyết về việc làm, thì không chút dính
líu tới các điều sai sót nói trên và có thể có một định nghĩa khách quan như chúng ta đã chứng minh trên đây.
Như vậy, thật là một điều sai lầm khi quá nhấn mạnh đến thu nhập ròng, một thứ thu nhập chỉ liên quan tới
những quyết định về tiêu dùng và hơn nữa chỉ tách biệt với các yếu tố khác ảnh hưởng tới tiêu dùng bằng một ranh
giới nhỏ hẹp, và bỏ qua (như thường đã thấy) khái niệm thu nhập đích thực, một khái niệm thích hợp với các
quyết định có liên quan đến sản xuất hiện tại và là một khái niệm hoàn toàn rõ ràng.
Những định nghĩa trên đây về thu nhập và thu nhập ròng là nhằm để thích nghi càng sát sao nhiều càng hay
với các tập quán thông thường. Do đó, tôi cần nhắc nhở độc giả rằng trong Luận trình về tiền tệ của tôi, tôi đã định
nghĩa thu nhập theo một nghĩa đặc biệt. Đặc điểm trong định nghĩa trước kia của tôi liên quan tới phần thu nhập
tổng hợp của nghiệp chủ, vì tôi không đề cập tới lợi nhuận (tổng lợi nhuận hoặc lợi nhuận ròng) thực thu qua các
hoạt động hiện hành của họ, cũng như lợi nhuận mà họ dự kiến khi họ quyết định thực hiện những hoạt động hiện
tại của họ mà theo một nghĩa nào đó (theo tôi nghĩ thì ngày nay chưa được định nghĩa đầy đủ, nếu ta tính đến khả
năng xảy ra những biến đổi trong quy mô sản xuất) tôi chỉ nói tới một lợi nhuận bình thường hoặc ổn định; với
định nghĩa này tiết kiệm vượt đầu tư bằng số tiền dôi ra giữa lợi nhuận bình thường và lợi nhuận thực tế. Tôi e
rằng việc sử dụng những thuật ngữ này đã gây ra một sự lẫn lộn đáng kể, nhất là trong trường hợp sử dụng tiết
kiệm một cách tương đối vì các kết luận (đặc biệt liên quan tới số lượng dôi ra giữa tiết kiệm và đầu tư), mà tôi đã
đưa ra chỉ có giá trị nếu các thuật ngữ sử dụng được hiểu theo nghĩa đặc biệt của tôi, đã thường được chấp nhận
trong những cuộc tranh luận rộng rãi chẳng khác chi chúng đã được sử dụng theo một ý nghĩa quen thuộc với các
vấn đề tranh luận. Vì lý do này, và cũng vì tôi không còn dùng những thuật ngữ sử dụng trước kia để diễn tả một
cách chính xác những ý kiến của tôi, nên tôi đã quyết định loại bỏ chúng và rất lấy làm tiếc về những sự lộn xộn
mà chúng đã gây ra.
II. TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ
Trong mớ hổn độn về các cách sử dụng thuật ngữ khác nhau, thật là dễ chịu khi phát hiện ra một điểm cố
định. Theo tôi hiểu, cho đến nay mọi người đều đồng ý rằng tiết kiệm có nghĩa là phần dôi ra của thu nhập so với
các khoản chi cho tiêu dùng. Do đó mọi hoài nghi về ý nghĩa của tiết kiệm chắc là nảy sinh từ hoài nghi về ý nghĩa
của thu nhập hoặc của tiêu dùng. Chúng ta vừa định nghĩa thu nhập ở trên. Còn các khoản chi cho tiêu dùng trong
một thời kỳ nào đó chỉ có thể là giá trị những hàng hoá bán cho những người tiêu dùng trong thời kỳ đó, điều này
đưa chúng ta trở lại vấn đề nên hiểu thế nào là người mua để tiêu đùng. Bất cứ định nghĩa hợp lý nào về ranh giới
giữa người mua để tiêu dùng và người mua để đầu tư đều giúp ích cho chúng ta miễn là định nghĩa này được áp
dụng một cách nhất quán. Loại vấn đề thường được đem ra tranh luận là ví dụ như xét xem việc mua một chiếc xe
hơi có phải là một việc mua sắm tiêu dùng và việc mua một ngôi nhà là việc mua sắm đầu tư hay không, và tôi
không có gì đáng kể để đóng góp làm sáng tỏ việc đó. Tiêu chuẩn ở đây là phải vạch rõ ranh giới giữa người tiêu