người Da đen ở Saint-Victor, cả ở những vùng xung quanh cũng vậy, người
ta nghi rằng thằng bé đã được sinh ra ở thành phố, có thể ở Nice, nơi mọi
việc đều có thể, kể cả những đứa trẻ da đen. Nhưng rành rành là thằng bé
đang khóc the thé như bị lạc trước cửa Nhà thờ Đức Bà làng Saint-Victor.
Rạng sáng ngày hôm đó, nửa số dân làng cuống cuồng xoay quanh cái giỏ
và thằng bé đen nhẻm. Rồi những cánh tay phụ nữ, mới đầu còn ngập
ngừng, dang ra đón lấy thằng bé, ru nó, cố dỗ nó. Lucie, chủ quán cà phê
trong làng, là người đầu tiên can đảm đặt một nụ hôn lên cái má đẫm đớt
dãi của thằng bé. Nhưng không gì có thể làm dịu thằng bé đang gào khóc
đến gần đứt hơi. "Thằng bé da đen, nó đói đây", một bà già nói, "Nó đái
dầm", một người khác nói. Rồi bà Suzanne to lớn tiến lên bằng những bước
đi lực sĩ, tách đám đông, đón lấy thằng bé, để nó nằm trong cánh tay mình.
Đứa trẻ ngừng khóc ngay lập tức, đầu áp vào bộ ngực đồ sộ. Kể từ lúc đó,
đối với mỗi người, như trong một câu chuyện cổ tích có các nàng công chúa
là những Suzanne to béo, ai cũng chấp nhận một điều hiển nhiên là thằng bé
da đen mãi mãi thuộc về bà chủ trại Écarts. Suzanne gí ngón tay trỏ vào cái
miệng đói ăn và quát lên - Lucie suốt đời không thể nào quên:
— Tìm trong giỏ ấy, lũ ngu! Chắc chắn có một mẩu thư!
Có thư thật. Ông cha xứ là người bước lên bậc tam cấp của nhà thờ, trịnh
trọng dang tay ra để yêu cầu im lặng, rồi bắt đầu cao giọng đọc: Nàm ơn,
chăm sóc ló...
— Đọc rõ lên, đồ khốn kiếp! Suzanne vừa đung đưa thằng bé vừa yêu cầu.
Chẳng ai hiểu gì cả!
Việc đó, Lucie suốt đời không thể nào quên. Suzanne Rosselin không tôn
trọng cái gì hết.
— Nàm ơn, ông cha xứ ngoan ngoãn đọc tiếp, chăm sóc nó, chăm sóc ló
thật tốt. Ló tên nà Soliman Melchior Samba Diawara, lói với ló rằng mẹ ló
tốt, rằng cha ló tệ như địa ngục đáy ao. Chăm sóc ló tốt, yêu ló, nàm ơn.