để thu được những thông tin hữu dụng nhất có thể. Song, chúng tôi cũng xin
được nhắc lại những gì đã nêu ở Chương 6 về việc hãy cảnh giác với những
thông tin đưa ra nhằm đánh lạc hướng cũng như động cơ của những người
cung cấp các thông tin không công khai đó.
Việc xác định giá trị của giao dịch M&A cũng khác với các kỹ thuật đánh
giá được sử dụng trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và cổ phần. Đa phần các
công ty cổ phần riêng đều muốn chấm dứt đầu tư sau khoảng 5 - 7 năm với
mức tỉ suất hoàn vốn nội bộ
(IRR) cho toàn bộ quá trình đầu tư là 20 -
35% (tỉ lệ này tăng giảm tùy thuộc vào thị trường: những kỳ vọng về IRR
tăng rất cao trong những năm cuối thập niên 1990, nhưng lại sụt giảm nhanh
chóng sau năm 2000). Số tiền các nhà đầu tư có được sau khi kết thúc đợt
đầu tư được tính dựa vào số tiền họ bỏ ra ban đầu, sau đó họ sẽ xác định
dòng tiền để đưa ra con số chính xác cuối cùng. Đây là một phương pháp
xác định giá trị rất hẹp so với phương pháp đánh giá điển hình M&A mà
chúng tôi sẽ đề cập tới trong chương này; tuy vậy, các bên Mua cũng nên coi
cách đánh giá theo quỹ cổ phần riêng này như là một trong nhiều biện pháp
giúp xác định giá trị của một công ty. Trong một giao dịch, một hoặc vài
Bên Mua tiềm năng có thể sẽ hoạt động theo hình thức đầu tư mạo hiểm, vì
vậy, cần phải xem xét phương pháp đánh giá của họ một cách cẩn thận.
Hiện vẫn tồn tại rất nhiều quan niệm sai lầm về các cách định giá cho các
giao dịch M&A và những quan niệm này được những người được coi là các
“chuyên gia định giá” và cả những người không hề tham gia vào hoạt động
này duy trì. Chúng tôi sẽ trình bày một số quan niệm sai lầm phổ biến trong
Bảng 8.1.
ĐIỀU CHỈNH TRONG CÁC BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Các chuyên gia về M&A xem xét các báo cáo tài chính khác với các
chuyên gia phân tích xem xét công ty như một pháp nhân (ví dụ như các kế
toán hay nhân viên nghiên cứu tài sản). Trong một giao dịch M&A, các
chuyên gia không những phải đánh giá về tình hình tài chính của Bên Bán
mà còn phải xem xét những báo cáo tài chính cũng như báo cáo thu nhập
của họ.