10
QUÁ TRÌNH HÒA NHẬP HẬU SÁP
NHẬP
Một giao dịch M&A vẫn chưa hoàn thiện sau khi cuộc mua bán đã “tiền
trao, cháo múc”; mặc dù là tới thời điểm đó, sự chú ý của công chúng đối
với giao dịch gần như không còn nữa. Đối với những người ngoài cuộc, có
thể như thế là giao dịch đã hoàn tất, nhưng trong phần lớn các trường hợp,
sự kết thúc của giao dịch lại chỉ là sự mở đầu của một nhiệm vụ nặng nề
hơn: đưa công ty mới đi vào hoạt động. Sự thành công của các giai đoạn
trước đó (lên kế hoạch chiến lược, phân tích tài chính, cơ cấu giao dịch,
thương lượng) thường sẽ phụ thuộc vào một kế hoạch hòa nhập hậu sáp
nhập mạnh mẽ và năng động cũng như sự thành công của kế hoạch đó.
M&A là một phương tiện để đi tới mục đích, chứ bản thân nó không phải
là mục đích. Điều không may là trong nhiều giao dịch, người ta lại chỉ chú
trọng vào việc hoàn tất giao dịch mà không quan tâm nhiều tới một loạt các
vấn đề về tổ chức và nhân sự sẽ xuất hiện sau đó. Chính điều này đã góp
phần nâng cao tỷ lệ thất bại của các giao dịch M&A.
Hòa nhập hậu sáp nhập là giai đoạn khá “tĩnh lặng” của một giao dịch, bởi
vì thông thường nó sẽ rất ít khi được đem ra làm đề tài thảo luận trước công
chúng, trừ khi giai đoạn này không thành công hoặc đó là một giao dịch
đình đám. Báo giới có thể săn đuổi và đưa lên trang nhất những thông tin
liên quan đến quyết định sáp nhập của hai công ty lớn; điều này đặc biệt
đúng nếu đó là một giao dịch không thân thiện và có nhiều công ty mua
cùng cạnh tranh nhau. Nhưng khi giao dịch đã hoàn thành, thì sự chú ý đó
lại dần biến mất. Hòa nhập hậu sáp nhập là giai đoạn quan trọng nhất của
một giao dịch, vì vậy không nên coi những thay đổi về mức độ quan tâm của
công chúng là dấu hiệu thể hiện tầm quan trọng thật sự của giai đoạn này.