Thay vì đối mặt với một tương lai bất trắc, tôi tìm thấy sự thoải mái ở
nơi tôi luôn có - trong sách vở. Tôi không ngừng trở lại tầng hai Thư viện
trung tâm của thành phố Boston, nơi lưu giữ những cuốn sách viết về Việt
Nam. Bốn, năm người đàn ông trạc tuổi cha tôi mặc những cái áo choàng lỡ
cỡ và những cái quần lùng thùng, thường ngồi quanh những chiếc bàn đặt
cạnh các giá sách. Mùi cà phê thiu vương vấn trong không khí chung quanh
họ. Thật khó để tôi hòa giải một Việt Nam tôi biết từ năm 2004 - những
gương mặt thân thiện, chợ búa nhộn nhịp và những thành phố hiện đại, với
một xứ sở - và cuộc chiến - đã chôn vùi quá nhiều cuộc đời. Những người
đàn ông này có thể đã là gì nếu không có cuộc chiến tranh ở Việt Nam? Chỉ
vài tuần trước khi đến hạn phải trình diện trại huấn luyện, cha đang xem
truyền hình trong phòng khách ở nhà ông bà tôi. Tổng thống Lyndon
Johnson xuất hiện trên màn hình và thông báo mở rộng diện hoãn thi hành
quân dịch đối với các thầy giáo cao học. Cha nhảy cẫng lên khỏi ghế và ôm
chầm lấy bà tôi; nhanh nhẹn và bình tĩnh, ông gọi cho ủy ban quân dịch địa
phương, xác nhận hoãn nhập ngũ, rồi lấy quần áo trong các túi xách ra.
Ông bị các sĩ quan tuyển quân, những người nóng lòng muốn đạt chỉ
tiêu, và Don bạn ông, trách móc. Don và cha tôi cùng đi đến trường đại học
mỗi ngày suốt bốn năm. Họ là láng giềng của nhau trong khu ngoại ô của
người lao động ở Seattle, và sống ở nhà cha mẹ mình để tiết kiệm tiền
phòng và tiền cơm tháng. Họ từng băn khoăn học vấn của họ sẽ thế nào khi
xuất thân từ gia đình nghèo. Don cũng có một chỗ trong chương trình sau
đại học. Ông lẽ ra có thể sử dụng quyền hoãn nhập ngũ như cha tôi.
Nhưng Don cho rằng hoãn dịch chẳng để làm gì. Ông thuyết phục cha
tôi trở lại đăng ký, "Chỉ để cho xong quách cho rồi", ông lý luận. Họ sẽ
thực hiện một chuyến đi nghĩa vụ ngắn ngủi ở Đông Nam Á trước khi sống
phần đời còn lại của mình.
Hai tuần sau khi Don có mặt ở Việt Nam, chiếc máy bay trực thăng chở
ông bị bắn rơi và ông thiệt mạng.